Kiến thức Tài chính kế toán Siết chặt quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Siết chặt quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

6
Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Nhiều chuyên gia nhận định, với nhiều điểm mới, Dự Luật sẽ “làm nóng” nghị trường. Tài chính & Đầu tư có cuộc phỏng vấn ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề trên.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ông Đặng Quyết Tiến,
Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN

Thực tế, hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động quản lý tài chính DN nhà nước (DNNN) đã được ban hành khá nhiều. Xin ông cho biết thêm, mục đích của việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN?
Đúng là thời gian qua hành lang pháp lý về quản lý hoạt động tài chính của DNNN đã được ban hành khá nhiều nhưng mới dừng lại ở nghị định, thông tư chứ chưa có Luật để điều chỉnh. Dù chưa đầy đủ, nhưng không thể phủ nhận, hành lang pháp lý này đã góp phần quan trọng giúp cơ quan quản lý, DNNN điều hành, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. 
Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động, cơ chế, chính sách này đã bộc lộ một số hạn chế, lỗ hổng trong quản lý vốn nhà nước cũng như trách nhiệm và quyền hạn của đại diện chủ sở hữu nhà nước, gây thất thoát vốn; tài sản của Nhà nước.
Do vậy, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN là cần thiết. Một trong những mục tiêu được Chính phủ đặt ra khi xây dựng Luật này là khắc phục việc đầu tư vốn của Nhà nước vào DN và việc DN sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Các quy định phải tuân thủ theo nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào DN.
Một số chuyên gia cho rằng, một số quy định của Luật này chồng chéo với các Luật DN, Luật Đầu tư… Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Về vấn đề này, tôi xin khẳng định, trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định phạm vi điều chỉnh của Luật phù hợp và không chồng chéo với các Luật khác.
Luật Đầu tư là luật khung quy định các nguyên tắc về đầu tư, quản lý đầu tư, quy trình đầu tư của mọi người dân, DN, một tổ chức kinh tế trong và ngoài nước khi đầu tư để sản xuất kinh doanh. Còn Luật Đầu tư công là vốn nhà nước đầu tư vào các dự án mà không phải dành cho sản xuất kinh doanh, không gắn liền với DN, việc điều chỉnh các dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước vào các dự án không vì lợi nhuận. Trong khi đó, Luật DN lại quy định các hình thái DN, tập trung điều chỉnh việc thành lập, mô hình tổ chức của các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả DNNN. 
Luật DN quy định các vấn đề liên quan đến quản trị DN, quy định quyền hạn của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với quá trình ra quyết định của DN… Mặc dù vậy, Luật DN không giải quyết các vấn đề đặc thù của DNNN như việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản; phân công, phân cấp thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN…
Vấn đề trên phải có quy định riêng vì nó mang tính đặc thù. Dự thảo Luật này quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào DN, quy định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và quy định giám sát hoạt động đầu tư vốn, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN. Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN ra đời sẽ để bảo vệ nhà đầu tư là Nhà nước và đồng vốn thuộc sở hữu toàn dân, thể hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước, dùng đồng vốn của dân để đầu tư vào sản xuất kinh doanh thông qua DN.
Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, có chuyên gia cho rằng, quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước trong Dự thảo Luật còn quá rộng và không rõ ràng. Vậy thực tế ra sao thưa ông?
Ngay từ tên gọi của Luật đã tách bạch rõ 2 nội dung là hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. Đã là DNNN thì trong quy định của Luật này sẽ làm rõ phạm vi nhà nước đầu tư đến đâu. Hay nói cách khác, dự án Luật này khẳng định việc đầu tư vốn nhà nước tại DN là đầu tư vào ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm được, chưa làm được, hoặc không muốn làm. Nghĩa là những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế không muốn làm nhưng vì mục tiêu cho người dân, cho an sinh xã hội thì Nhà nước thực hiện.
Như thế sẽ dẫn đến việc có DN đầu tư lợi nhuận cao nhưng có DN lại không có lợi nhuận. Chính vì thế trong Luật quy định rõ 2 phần: Đầu tư (tập trung các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế tư nhân không được phép làm như an ninh quốc phòng; chưa làm được như phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, đường sắt; hoặc không muốn làm…); và Quản lý (các DN hoạt động có lợi nhuận thì đảm bảo phải hoạt động bình đẳng như Luật DN, nhưng quản trị ở đây phải khẳng định rõ là minh bạch thông tin, công khai thông tin như công ty đại chúng).
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN là vấn đề đang được dư luận quan tâm trong dự thảo Luật. Ông có thể cho biết, dự thảo Luật quy định vấn đề này thế nào?
Vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao vốn và các nguyên tắc bán vốn, chuyển nhượng vốn sẽ được Luật hóa bằng các quy định nhằm đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất và dễ thực hiện. Một quy định mang tính đột phá được đưa ra tại dự thảo Luật là cho phép thoái vốn có thể thấp hơn giá trị sổ sách. 
Tuy nhiên, việc thoái vốn phải tuân thủ nguyên tắc khi DN thực hiện hết các biện pháp trích lập dự phòng, phòng ngừa rủi ro, nếu giá trên thị trường thấp xuống thì chủ sở hữu sẽ là người quyết định. Chủ sở hữu theo thẩm quyền phân cấp trong Luật quy định cấp cao nhất là Chính phủ. Khi quy định thành Luật thì việc thực thi đảm bảo hơn.
Một trong những nguyên nhân làm cho tiến trình thoái vốn nhà nước tại DN còn chậm, cổ phần hóa, sắp xếp DN chưa bắt kịp với lộ trình đề ra trong những năm qua là vướng về cơ chế, chính sách. Dự án Luật sẽ là khung pháp lý mạnh để gỡ bỏ các tồn tại, thúc đẩy tái cơ cấu cũng như đổi mới, thu hẹp DNNN.
Xin cảm ơn ông!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không