Công bố về tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tỷ lệ 7%; trong khi các ngân hàng cam kết, tỷ lệ này chỉ là 3,6-3,9%. Dù ở tỷ lệ nào thì đây cũng là “cục máu đông” trong mạch chảy nền kinh tế. Muốn xử lý, cần xác định được tỷ lệ nợ xấu chính xác và có sự quyết tâm trong xử lý…
Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15 ngân hàng. Nguồn: internet
Tỷ lệ nợ xấu còn bất nhất
Nhận định về nợ xấu, nhiều chuyên gia đã ví: “Nợ xấu giống một bộ phận trên cơ thể con người, khi bệnh đã nặng cần xử lý nhanh để tránh thối rữa. Nếu che lên vết thương bằng nhiều loại vải chỉ là nhất thời, không nhìn thấy, nhưng bệnh thì càng tồi tệ. Bởi vậy, xử lý nợ xấu cần nhanh hơn, mạnh, dứt điểm và minh bạch, chuẩn xác về tỷ lệ”.
Sự chuẩn xác về tỷ lệ nợ xấu là vấn đề đang được dư luận quan tâm khi các ngân hàng thương mại (NHTM) công bố tỷ lệ nợ xấu chỉ bằng một nửa con số của Thống đốc NHNN đưa ra mới đây. Nếu tin vào các ngân hàng thì dư luận tạm yên lòng vì tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát, chỉ giao động từ 3,6-3,9%; nhưng với con số 7% được Thống đốc NHNN công bố vào ngày 1/4 là điều đáng lo ngại. Đây không phải là lần đầu con số nợ xấu được NHNN công bố có độ vênh lớn như vậy.
Còn nhớ, ngày 15/2/2014, Chánh Thanh tra NHNN, Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết con số nợ xấu cập nhật tính đến hết năm 2013 là 5,56%. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó, NHNN thông báo, báo cáo của các NHTM cho biết, tỷ lệ nợ đến hết năm 2013 xuống chỉ còn 3,63%. Cũng theo số liệu của NHNN, tính tới hết tháng 2/2014, nợ xấu trong toàn hệ thống là 308.000 tỷ đồng, tương đương 9,71%. Vậy nhưng, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4/2014, NHNN đã chính thức công bố con số nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 2/2014 là 3,86% tổng dư nợ, tương đương 122.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 2/2014, khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014, trong đó đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ít nhất phải chiếm 15%. Ngay sau báo cáo của Moody’s, NHNN đã có ý kiến cho rằng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan. Đến cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ. Còn nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/2012/ QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.
Đánh giá tác động về sự chênh lệch giữa các con số nợ xấu, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Sự chênh lệch về con số nợ xấu sẽ tác động xấu trong dư luận, DN. Dư luận sẽ đánh giá năng lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam không tốt, phân vân với con số đưa ra khác nhau tạo ra sự bất ổn, nghi ngờ”.
Theo NHNN, do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một đối tượng là bình thường. Kể cả nợ quốc gia bao gồm nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ doanh nghiệp… dựa vào những cách tính khác nhau, thời điểm tính khác nhau nên kết quả cho ra cũng khác.
Tăng tốc trong hành động…
Với quyết tâm không để nợ xấu gia tăng, trong 4 tháng đầu năm 2014, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu. Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Cùng với đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tiến hành đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Với mục tiêu đặt ra trong năm 2014, mua thêm từ 70 -100 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đến nay, VAMC đã mua nợ xấu của 35 tổ chức tín dụng, với số nợ xấu đã mua trên 45.000 tỷ đồng và đã phân loại được 37.680 tỷ đồng; trong đó, bán nợ, bán tài sản đảm bảo là 1.400 tỷ đồng, cơ cấu lại nợ đối với khách hàng là 14.000 tỷ đồng…
Hiện NHNN đang tập trung chỉ đạo vấn đề xử lý nợ xấu, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện văn bản, quy định để có thể bán được các khoản nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài vì họ đang rất quan tâm đến các khoản nợ xấu này. Đặc biệt, NHNN đang lên kế hoạch tiếp tục tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt 1 thì chỉ còn Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này cho Tập đoàn UOB (Singapore). Còn các ngân hàng khác cơ bản đã được khắc phục, tình hình tín dụng đã được cải thiện, thoát khỏi đổ vỡ.
Không những vậy, NHNN đang lên kế hoạch sẽ trực tiếp thanh tra hoặc thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán chất lượng tín dụng nhằm tiếp tục tái cấu trúc một số tổ chức tín dụng mới. Trong đó, sẽ xử lý từ 6 -7 ngân hàng qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên từ 7 -10 ngân hàng.
Như vậy, làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng bắt đầu có xu hướng nóng lên khi đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đi vào giai đoạn cuối. Điều chắc chắn các ngân hàng nhỏ sẽ khó tránh được thực trạng M&A. Do đó, các ngân hàng nhỏ, yếu kém đang lên phương án tìm kiếm đối tác để thương thảo, đàm phán trước khi NHNN buộc sáp nhập.
Một ví dụ tiêu biểu là, Southern Bank đang đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Đây là bước đi khôn ngoan, bởi nếu không sáp nhập vào một đơn vị khác, Southern Bank sẽ khó tồn tại khi những hạn chế ngày càng bộc lộ. Cùng cảnh ngộ với Southern Bank còn có nhiều ngân hàng khác hiện đang có vốn điều lên dưới 3.000 tỷ đồng cũng buộc phải tự cứu mình bằng việc tìm đối tác sáp nhập hoặc “bán mình” để tồn tại.
Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15 ngân hàng. Lúc đó, nguồn vốn sẽ được tập trung hơn, vì một khi ngân hàng càng nhiều vốn sẽ càng phát triển mạnh hơn. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông