Kiến thức Tài chính kế toán Phối hợp trong quản lý tại sân bay quốc tế Nội Bài...

Phối hợp trong quản lý tại sân bay quốc tế Nội Bài đã chặt chẽ?

26

Vụ việc mở niêm phong hải quan để kiểm tra hành lý thất lạc của một số lực lượng quản lý tại sân bay quốc tế Nội Bài khi không có đại diện chính thức của cơ quan Hải quan xảy ra gần đây đã gây ra những bất đồng không đáng có trong công tác quản lý tại địa bàn này. Phía Cảng vụ Hàng không sân bay quốc tế Nội Bài cho rằng việc kiểm tra an ninh đối với hành lý thất lạc là đúng quy định.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Đội An ninh trật tự Nhà ga (Cảng Hàng không sân bay quốc tế Nội Bài) đã mở kiểm tra thủ công 4 kiện hành lý (ảnh do công chức Hải quan ghi lại)

Sự việc xảy ra vào hồi 15 giờ 45 phút ngày 29-5. Tại khu vực giám sát hải quan kho hành lý thất lạc (khu cách ly quốc tế đến cánh A sân bay quốc tế Nội Bài), một nhóm người trong đó có đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc (Cục Hàng không Việt Nam), Cảng Hàng không sân bay quốc tế Nội Bài (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), Đội An ninh trật tự Nhà ga (Cảng Hàng không sân bay quốc tế Nội Bài) đã mở kiểm tra thủ công 4 kiện hành lý. Số kiện trên đã được vào sổ theo dõi hải quan chờ đưa vào kho để làm tiếp thủ tục hải quan khi chủ hàng đến nhận.

Cùng ngày, vào khoảng 20 giờ, cũng một nhóm người thuộc các đơn vị đã nêu trên đã mở kiểm tra thủ công 4 kiện hành lý khác. Các kiện hành lý đã được vào sổ theo dõi và được niêm phong hải quan chờ đưa vào kho để làm tiếp thủ tục hải quan khi có chủ hàng đến nhận. Điều đáng nói là, cả hai vụ việc trên đều không có đại diện chính thức của cơ quan Hải quan.

Bình luận về sự việc này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài Nguyễn Đức Minh tỏ ra bất bình về hành vi của các lực lượng trên, việc tự ý mở niêm phong hải quan đã vi phạm pháp luật hải quan. Ông Minh cho biết, tại thời điểm mở kiểm tra hành lý của các lực lượng trên, mặc dù được công chức hải quan thừa hành nhiệm vụ tại khu vực cảnh báo và yêu cầu dừng việc làm đó, tuy nhiên, hành vi trên vẫn được tiếp tục.

Sau đó, lãnh đạo Chi cục Hải quan đã yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Việc tự ý phá niêm phong hải quan đối với các kiện hành lý nêu trên để kiểm tra đã vi phạm Luật Hải quan và Điều 13 Nghị định 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Cũng theo ông Minh, trước khi diễn ra toàn bộ sự việc trên, phía cơ quan Hải quan chưa nhận được văn bản đề nghị hợp tác của các lực lượng quản lý khác tại sân bay Nội Bài trong việc kiểm tra soi chiếu bằng máy soi cũng như mở kiểm tra thực tế số hành lý trên.

Phóng viên Báo Hải quan đã đưa vụ việc trên trao đổi với đại diện lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Đại diện cảng vụ khẳng định, việc kiểm tra trực quan an ninh đối với các kiện hành lý thất lạc tại sân bay Nội Bài là đúng quy trình, thẩm quyền của an ninh hàng không. Việc kiểm tra an ninh đối với hành lý thất lạc, vô chủ là cần thiết nhằm phát hiện kịp thời các vật phẩm nguy hiểm có thể uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa các lực lượng quản lý tại địa bàn sân bay quốc tế Nội Bài phải thực hiện một cách thường xuyên, trực tiếp và kịp thời, tránh để phát sinh những sự cố như cháy nổ, ô nhiễm môi trường vì chờ có văn bản phối hợp.

Dẫn giải những điều khoản quy định chức năng, nhiệm vụ của Cảng vụ Hàng không tại sân bay, vị này cho biết, cảng vụ hàng không thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại cảng hàng không sân bay. Tại Điều 61 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định, Cảng vụ hàng không và các cơ quan khác tại cảng hàng không, sân bay thực hiện các hoạt động nghiệp vụ và phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm an toàn, an ninh và hoạt động bình thường của cảng hàng không, sân bay.

Trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng hàng không, sân bay không thống nhất cách giải quyết vấn đề phát sinh, Giám đốc Cảng vụ Hàng không có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Điều này đã được quy định rõ hơn tại Thông tư 30 /2012/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng, cảng vụ hàng không có trách nhiệm phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động tại cảng hàng không, sân bay giải quyết các vấn đề phát sinh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm an ninh, trật tự và hoạt động bình thường của cảng hàng không, sân bay.

Giám đốc Cảng vụ Hàng không xem xét quyết định và chịu trách nhiệm về những vấn đề an ninh hàng không phát sinh mà các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại cảng hàng không, sân bay không thống nhất cách giải quyết và báo cáo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam.

“Trong việc quản lý hành lý thất lạc, Điều 46 Thông tư 30 cũng quy định, hành lý thất lạc, nhầm địa chỉ phải được kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không trước khi đưa vào khu vực lưu giữ; trước khi được đưa lại lên tàu bay phải được soi chiếu lại”-vị này nói.

Qua trao đổi với đại diện các bên liên quan, có thể thấy, mỗi lực lượng quản lý tại sân bay quốc tế đều có hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực quản lý của mình. Điều đáng nói, mặc dù tại các cuộc hội nghị liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay tinh thần phối hợp đều được các lãnh đạo tỏ ra thiện chí nhưng ở các cấp thực thi thì việc phối hợp này lại chưa được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Được biết, cho đến nay vẫn chưa có một văn bản phối hợp cụ thể nào giữa các bên liên quan tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Hiện vụ việc này đã được báo cáo lên các cơ quan quản lý cấp trên để có kết luận chính thức.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không