Kiến thức Tài chính kế toán Ngành Tài chính mạnh tay ngăn chặn thất thu, nợ đọng thuế

Ngành Tài chính mạnh tay ngăn chặn thất thu, nợ đọng thuế

17
Báo cáo trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, cơ quan Thuế, Hải quan đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận, trốn thuế, chống chuyển giá… Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, vì thế Bộ trưởng đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Chống thất thu thuế: Ngành Thuế- Hải quan vào cuộc
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cùng với đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra, chống rửa tiền, quản lý thị trường, chống buôn lậu…) tăng cường công tác quản lý thu, đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hoàn thuế sai quyết định, truy thu, truy hoàn cho NSNN.
“Năm 2013, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra gần 64,7 nghìn doanh nghiệp (tăng 8,8% so với năm 2012), qua đó quyết định thu vào ngân sách 13,62 nghìn tỷ đồng (đã thu vào ngân sách gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2012); yêu cầu doanh nghiệp giảm khấu trừ, giảm lỗ 16,03 nghìn tỷ đồng; tổ chức đôn đốc, cưỡng chế xử lý nợ đọng thuế được 55% số nợ thuế tại thời điểm 31-12-2012, hạn chế phát sinh nợ mới; đồng thời chuyển hồ sơ 67 trường hợp sang cơ quan công an để điều tra xử lý vi phạm hình sự”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Trong đó, cơ quan Hải quan đã tiến hành trên 2,3 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu trên 1,6 nghìn tỷ đồng (đã thu vào NSNN trên 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2012); đã phát hiện, bắt giữ 22 nghìn vụ buôn lậu, xử lý thu nộp ngân sách gần 150 tỷ đồng; xử lý thu hồi trên 1,8 nghìn tỷ đồng nợ đọng của các tờ khai phát sinh đến cuối năm 2012. 
Mặc dù vậy, tình hình nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện. Để khắc phục, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế chính sách thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế; Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm về thuế…
Đánh giá về tình trạng chuyển giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hành vi chuyển giá không những làm thất thu ngân sách Nhà nước mà còn tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam, làm méo mó kết quả hoạt động SXKD và mất công bằng trong chấp hành pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp.
Năm 2013, cơ quan Thuế đã thanh, kiểm tra 2.110 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tăng 66,4% so với năm 2012; đã truy thu, truy hoàn, phạt là 988,1 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2012; giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng; giảm lỗ 4.192,86 tỷ đồng.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra 361 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; đã truy thu, truy hoàn và xử phạt là 287,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 17,6 tỷ đồng, giảm lỗ là 1.232,5tỷ đồng.
Thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chống chuyển giá, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng quy định và quy trình phù hợp, hiệu quả hơn về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chống hoạt động chuyển giá; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin quản lý giá chuyển nhượng tập trung thống nhất trong cả nước. Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, sự chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp.
Chặn trốn thuế, gian lận hoàn thuế
Để ngăn chặn tình trạng hoàn thuế sai, trốn thuế và gian lận trong kê khai, hoàn thuế GTGT, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan Thuế, Hải quan đã tăng cường kiểm tra thực tế hàng hóa là nông, lâm, thủy, hải sản, tiêu dùng xuất khẩu. Kiểm tra chặt chẽ hồ sơ hoàn thuế; kiểm tra nguồn tiền thanh toán qua ngân hàng từ tài khoản vãng lai đối với hàng hóa xuất khẩu; kiểm tra chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu; kiểm tra hàng hóa đầu vào nhằm phát hiện hóa đơn bất hợp pháp; phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, đối chiếu nhằm xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý kê khai, hoàn thuế; triển khai phần mềm đối chiếu chéo hóa đơn để hỗ trợ cán bộ thuế đối chiếu, hạn chế hành vi gian lận hóa đơn của người nộp thuế…
Chỉ riêng 6 tháng cuối năm 2013 đã thanh tra, kiểm tra trọng điểm gần 200 doanh nghiệp; căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, thực hiện phối hợp với cơ quan Công an điều tra phát hiện 33 vụ việc vi phạm lớn; chuyển hồ sơ 18 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan Công an; đã khởi tố 17 doanh nghiệp, truy tố 22 đối tượng; thu hồi cho ngân sách Nhà nước 26.784 triệu đồng.
Về kê khai thuế gian lận gây thất thu thuế; vấn đề nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tổng số tiền thuế nợ đến 31-12-2013 là 60.919 tỷ đồng (tăng 10,64% so với thời điểm 31-12-2012) và đến 30-4-2014 là 67.084 tỷ đồng (tăng 8,56% so với thời điểm 31-12-2013).
Trong năm 2013 đã thu và xử lý được 27.137 tỷ đồng tiền thuế nợ năm 2012 chuyển sang năm 2013, đạt tỷ lệ 49,28%. Tính đến ngày 30-4-2014, đã thu và xử lý được 8.490 tỷ đồng tiền thuế nợ 2013 chuyển sang năm 2014, đạt tỷ lệ 13 %.
“Nợ thuế tăng do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính phải ngừng kinh doanh, giải thể,…; doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh (bỏ trốn) không thông báo cho cơ quan thuế; doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuế để lấy vốn sản xuất kinh doanh; Một số doanh nghiệp có hoạt động xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, chưa được ngân sách nhà nước thanh toán…”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Để hạn chế gian lận trong kê khai, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số giải pháp như: Ban hành các chính sách nhằm hạn chế gian lận thuế như các chính sách về quản lý hoàn thuế, kê khai thuế; công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế; vi phạm chế độ quản lý hóa đơn chứng từ; sửa đổi bổ sung chế độ quản lý hóa đơn;…
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin tích cực triển khai hỗ trợ người nộp thuế trong công tác kê khai, cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, giúp người nộp thuế hạn chế khai sai, khai không đúng quy định do chưa nắm rõ chính sách; Triển khai phần mềm đối chiếu chéo hóa đơn để hỗ trợ cán bộ thuế đối chiếu, hạn chế hành vi gian lận hóa đơn của người nộp thuế; Triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VSIS….
Giải pháp triển khai đôn đốc thu hồi nợ thuế năm 2014, cũng được người đứng đầu ngành Tài chính nêu đó là: Giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2014 đảm bảo tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2014 không vượt quá 5% so với tổng số thu NSNN năm 2014. Gắn kết quả thực hiện các chỉ tiêu thu tiền thuế nợ với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thuế; Triển khai đầy đủ, đồng bộ các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế còn nợ thuế, hạn chế không để phát sinh thêm nợ mới.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Toà án, Công an để thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN…
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không