Kiến thức Tài chính kế toán Biến động tỷ giá “không quá đáng ngại”

Biến động tỷ giá “không quá đáng ngại”

13
Báo cáo của nhiều công ty chứng khoán cho rằng: Tỉ giá ngoại tệ có những biến động ngắn hạn chủ yếu do yếu tố tâm lý nhưng không đáng quan ngại, các điều kiện vĩ mô hiện tại đủ để Ngân hàng Nhà nước thực hiện bình ổn tỉ giá khi cần thiết.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Tỉ giá được dự báo sẽ không có sự biến động mạnh. Ảnh: Internet 

Sau khi liên tục duy trì sự ổn định trong suốt Quý I cũng như tháng 4, thị trường ngoại hối có dấu hiệu nóng lên và đã có những biến động khá mạnh trong tháng 5, đặc biệt là về cuối tháng, và những ngày đầu của tháng 6.
Có những thời điểm, tỉ giá bán tại nhiều ngân hàng thương mại được treo ở mức giá trần 21.246 VND/USD. Cùng với đó, trên thị trường tự do, tỉ giá cũng tăng mạnh, phổ biến ở mức 21.280-21.300 VND/USD mua vào và 21.330-21.350 VND/USD bán ra.
Trong báo cáo vĩ mô tháng 5-2014, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng: Những biến động trên thị trường ngoại hối trước hết là do yếu tố tâm lý khi căng thẳng ở biển Đông bất ngờ xảy ra. Ngoài ra, vào đầu tháng 6, một số ngân hàng lớn còn chịu áp lực rút USD của một doanh nghiệp lớn để phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh, từ đó cũng tạo áp lực nhất định lên thị trường ngoại hối.
“Chúng tôi cho rằng, mặc dù căng thẳng ở biển Đông có thể chưa sớm được giải quyết nhưng khả năng căng thẳng leo thang hoặc có chuyển biến xấu hơn nữa là khó xảy ra. Thêm vào đó, những biến động về cầu ngoại tệ như trong đầu tháng 6 được đánh giá sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn” – báo của VCBS nhận định.
Trong 6 tháng qua chúng ta chưa điều chỉnh tỉ giá và tỉ giá tiếp tục ổn định, do vậy trong xã hội cũng có kỳ vọng điều chỉnh tỉ giá. Tuy nhiên, qua phân tích cung cầu của thị trường và cục diện kinh tế vĩ mô thì hiện nay quan hệ cung cầu vẫn rất được đảm bảo, 6 tháng qua tỉ trọng xuất siêu cao, cán cân thanh toán thặng dư lớn trên 10 tỉ USD, cung cầu ngoại tệ hết sức dồi dào.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình 

VCBS kỳ vọng tỉ giá và thị trường ngoại hối sẽ dần ổn định trở lại do cung ngoại tệ vẫn tương đối dồi dào. Bởi vì một là vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng và đạt 4,6 tỉ USD, hai là dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỉ USD, đảm bảo trên 12 tuần nhập khẩu.
Theo VCBS, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn có nhiều dư địa cũng như các biện pháp để có thể can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường nếu cần thiết. “Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tỉ giá sẽ không điều chỉnh trong Quý II” – báo cáo của VCBS dự báo.
Có nhiều điểm phân tích tương đồng với VCBS, báo cáo vĩ mô tháng 5 của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng: Tâm lý lo ngại sự kiện Biển Đông đã khiến dòng tiền thị trường phần nào chuyển sang tích lũy tài sản (như vàng, ngoại tệ…). Tỉ giá trung bình các ngân hàng thương mại tăng nhẹ hơn (khoảng 0,4%) từ mức 21.080 lên mức 21.165 vào cuối tháng.
Trong khi đó, tỉ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn giữ nguyên ở mức 21.036 VND/USD.
“Nói chung, áp lực lên tỉ giá theo chúng tôi đánh giá chủ yếu là do tâm lý ngắn hạn và không quá lo ngại trong điều kiện vĩ mô hiện tại (lạm phát thấp, xuất siêu, dự trữ ngoại hối lớn…). Cho đến nay, vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm điều chỉnh tỉ giá bình quân liên ngân hàng, dù vậy khả năng “điều chỉnh giảm” không quá 1% vẫn sẽ được bỏ ngỏ cho tới cuối năm” – BSC nhận định.
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 8-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cam kết rằng thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, nếu có điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh ở mức không quá 2%.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không