Trước mối nguy của sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, nguy nhất là việc doanh nghiệp (DN) Trung Quốc trúng thầu EPC hầu hết các dự án trọng điểm trong các ngành quan trọng như năng lượng, khai khoáng, hóa chất…
TS Trần Du Lịch – Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội:
Đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân
Ảnh minh họa
Thực trạng rất nhiều gói thầu EPC đã thuộc về các công ty Trung Quốc trong thời gian vừa qua không chỉ gây ra sự mất cân đối ngày càng lớn trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn làm tăng sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn là chất lượng, tiến độ thi công và điệp khúc “đội giá” của nhà thầu Trung Quốc.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc nhiều dự án EPC chậm tiến độ: do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ. Ngoài ra, hiện có khá nhiều dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), do đó việc lựa chọn nhà thầu nhiều khi bị ràng buộc, đánh đổi…
Để xảy ra tình trạng này là do trước đây quy định của nước ta gây bất lợi cho nhà thầu trong nước. Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7 tới đã đưa ra giải pháp nhằm giải quyết, loại bỏ việc nhà thầu yếu kém về năng lực nhưng vẫn trúng thầu thông qua việc áp dụng phương thức đấu thầu “một giai đoạn hai túi hồ sơ” đối với gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa hoặc hỗn hợp. Nhưng Luật này đến 1/7/2014 mới có hiệu lực, như vậy, những dự án trước đó đã ở vào thế “đã rồi” và giải pháp duy nhất lúc này là tăng cường giám sát.
Vấn đề này, tôi cho rằng, chúng ta cũng không nên đổ lỗi hết cho cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. Vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là con người. Nếu những người có trách nhiệm thực sự đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trước tiên thì sẽ khó có thể xảy ra thực trạng mà chúng ta đang phải chứng kiến. Chính vì vậy trong bối cảnh hiện nay, để tránh lặp lại những sai lầm thì những người ngồi trong Hội đồng xét duyệt thầu phải ý thức được sự an nguy của quốc gia, không để bị chi phối bởi các lợi ích tầm thường khác.
Đẩy mạnh vai trò DN trong nước
Cách đây không lâu, Bộ GTVT đã phải “chỉ mặt, đọc tên” hàng loạt các DN tổng thầu EPC năng lực kém, trong đó có nhiều công ty của Trung Quốc. Khi không còn là hiện tượng đơn lẻ mà trở nên phổ biến thì chúng ta cần phải thận trọng và có những giải pháp thích hợp, tránh bị phụ thuộc.
Tôi cho rằng để khắc phục tình trạng chậm tiến độ trở nên phổ biến của các nhà thầu EPC, trước mắt cần phải sớm hoàn thiện cơ chế, thể chế, nâng cao trình độ nghiệp vụ bộ máy nhân sự để có thể thẩm định giám sát và quản lý một cách có hiệu quả. Đặc biệt, quy rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, tổng thầu trong việc xảy ra tình trạng chậm tiến độ.
Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia làm tổng thầu EPC các dự án lớn, trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu trong nước vẫn chưa xứng tầm với tư cách là một nhà thầu EPC độc lập, có thể cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài. Vì vậy, về lâu dài, giải pháp tốt nhất là chúng ta phải nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của các DN trong nước để có thể đảm nhiệm tổng thầu EPC đối với các dự án quan trọng. Đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Thứ nhất, bản thân các DN cần nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực vì đây là yếu tố quan trọng nhất để quản lý, điều hành dự án. Đồng thời là nâng cao năng lực sản xuất.
Thứ hai là cần xóa bỏ cơ chế “xin- cho” tạo sự bình đẳng, tránh ỷ lại và tạo động lực cho các DN vươn lên.
Thứ ba là Nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ DN thông qua cơ chế cấp tín dụng hoặc chính sách ưu đãi thuế.
Ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch Hiệp hội cơ khí VN:
Quy định rõ tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư do VN sản xuất
Luật đấu thầu sửa đổi về mặt chính sách đã tạo được hành lang pháp lý cho các DN cơ khí có điều kiện phát triển, tuy nhiên hiện các văn bản dưới luật như Nghị định và thông tư vẫn chưa được cụ thể hóa, nhất là phần về các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa có quy định phải sử dụng bao nhiêu phần trăm tỷ lệ nội địa hóa. Điều này đã làm cho các DN trong nước hết sức khó khăn.
Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế đấu thầu bằng quy định tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do VN sản xuất, đưa ra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa và tiêu chí đánh giá.
Theo đó, cần đưa tiêu chí các công ty nước ngoài không có cơ sở sản xuất tại Việt Nam không được tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị (thực hiện như ở Ấn Độ và một số nước khác). Cấp quản lý cần quy định chặt chẽ việc thực hiện Hợp đồng EPC theo chỉ thị 494/CT-CP và 734/CT-CP của Chính phủ. Chủ đầu tư phải bóc tách nhiều gói thầu để các DN trong nước đủ năng lực tài chính, công nghệ tham gia thầu; quy định các nhà thầu nước ngoài chỉ làm thầu phụ (cung cấp thiết bị) cho nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh dự thầu.
Bên cạnh đó, máy móc thiết bị trong dây chuyền công nghiệp cần được phân rõ phần thiết bị chính trong dây chuyền công nghiệp để đảm bảo chất lượng công nghệ tiên tiến: tổ chức đấu thầu quốc tế có chỉ định xuất xứ hàng hóa. Các phần khác phải tổ chức đấu thầu trong nước.
Đối với các dự án đầu tư và mua sắm sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ, bắt buộc hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật…
Các dự án đầu tư mua sắm sử dụng vốn vay nước ngoài, Tổ hợp nhà thầu Việt Nam có khả năng giúp các chủ đầu tư thu xếp các nguồn vốn (thông qua các tổ chức tín dụng ngân hàng trong và ngoài nước) thì được chỉ định thầu. Cần phải nói không trong việc nhập khẩu các sản phẩm, chi tiết, phụ tùng đã sản xuất được trong nước khi sửa chữa, trung đại tu các công trình.
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông