Có thể 20 năm tới, Unilever sẽ được điều hành từ Singapore và báo cáo kết quả tài chính bằng nhân dân tệ, McDonald’s sẽ đặt tổng hành dinh tại Mumbai…
Thị trường Ấn Độ nổi lên như một thế lực mới của châu Á
Châu Á đã khởi sắc trong hai thập niên qua khi học hỏi các mô hình kinh tế từ phương Tây. Năm 2030, châu Á được dự báo vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu gộp lại trên phương diện sức mạnh kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu muốn tiếp tục làm tốt hơn trong 20 năm tới, châu Á sẽ phải cải cách.
Myanmar, một nước lớn với một quá khứ khó khăn, đang bắt đầu thoát ra khỏi vũng lầy của nghèo đói và trì trệ. Ấn Độ và Indonesia, hai nền dân chủ non trẻ phải công nghiệp hóa nền kinh tế. Ở Trung Quốc, chính phủ cần phải giảm bớt vai trò và sự can thiệp của nhà nước lên nền kinh tế. Nhật Bản phải trả lời được câu hỏi liệu một xã hội có thể thu nhỏ nhưng vẫn còn thịnh vượng như nửa thế kỷ trước không.
Nhiệm vụ đổi mới cũng đang đặt ra cho các công ty châu Á khi khu vực này sẽ bị ảnh hưởng bởi một loạt xu hướng lớn: chi phí lao động ở Trung Quốc cao hơn và tình trạng dân số già hoá ở Đông Á; mong đợi của người tiêu dùng cao hơn; sức mạnh đột phá của internet; các rào cản thương mại… Căng thẳng quân sự trong khu vực cũng là một nhân tố bất ngờ tạo nên màu sắc đen tối cho khu vực này.
Sau hai thập niên, các doanh nghiệp châu Á đã lớn mạnh, chiếm khoảng 27% giá trị vốn hóa toàn cầu (cách đây 1 thập kỷ là 20%). Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như LG, Samsung và Hyundai giờ đây đã có quy mô toàn cầu khi so sánh với Apple hay Volkswagen. PetroChina thậm chí còn đầu tư nhiều hơn so với Exxon Mobil…
Nhưng các công ty châu Á cần phải chuyên nghiệp hóa, tập trung, quốc tế hóa, cải thiện R&D và tạo ra nhiều thương hiệu toàn cầu hơn nữa. Những thay đổi này thực sự khó khăn khi chắc chắn sẽ đe dọa cơ cấu sở hữu truyền thống của các công ty, các công ty nhà nước, các tập đoàn gia đình.
Các công ty châu Á không trở thành giống hoàn toàn các công ty Mỹ nhưng sẽ ngày càng giống với mô hình của các công ty đa quốc gia. Đồng thời, các công ty đa quốc gia phương Tây sẽ trở nên “châu Á hơn”, khi phần lớn doanh thu của họ được tạo ra tại thị trường tiêu thụ khổng lồ châu Á.
Người ta nói nhiều về tiềm năng bùng nổ của những doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ của châu Á. Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm tại đây vẫn là một ngành công nghiệp rất non trẻ. Châu Á thiếu đi môi trường nuôi dưỡng các doanh nghiệp mới: kể từ 2007, chỉ 1/10 hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm diễn ra ở châu Á. Mặc dù sự cường điệu các ngành công nghiệp mới đang bùng nổ như năng lượng xanh, chăm sóc sức khỏe và internet… nhưng thiếu vốn vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp.
Hai thập niên tới, nếu Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển thành công ngành công nghiệp sáng tạo, các nhà biên kịch Hollywood, nhà thiết kế Pháp và ngôi sao nhạc Pop của Úc có thể thất nghiệp nhiều hơn. Nhưng rõ ràng, cạnh tranh và đổi mới sẽ tạo ra lợi ích tốt hơn cho người tiêu dùng ở khắp mọi nơi. Nếu Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế thành công, nó sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn hàng hoá các nước. Và các công ty toàn cầu châu Á cũng nên tạo thêm nhiều việc làm bên ngoài.
Hai mươi năm trước không thể tưởng tượng rằng một công ty Hàn Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất xe hơi khổng lồ toàn cầu, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường công nghệ lớn nhất thế giới, hoặc một công ty internet của Trung Quốc sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Nếu thay đổi thành công, châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của thế giới. Có thể 20 năm tới, Unilever sẽ được điều hành từ Singapore và báo cáo kết quả tài chính bằng nhân dân tệ, McDonald sẽ đặt tổng hành dinh tại Mumbai. Một tổ hợp giải trí cho người cao tuổi toàn cầu có thể được đặt tại Tokyo, và ngân hàng lớn nhất thế giới có thể đặt tại Trung Quốc. Hoàn toàn có thể với điều kiện châu Á phải thay đổi từ hôm nay.
Theo DNSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông