Kiến thức Tài chính kế toán Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

2644
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến về “xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn” và “dùng cách ghi chữ viết/chữ số của nước ngoài trên hoá đơn in trực tiếp từ hệ thống phần mềm bán hàng và kế toán”.

Đối với những vi phạm nêu trên, Bộ Tài chính có hướng xử lý như sau:

Về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn: Điều 29 Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ có quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi không thanh lý hợp đồng in khi đã lập tờ Thông báo phát hành hoá đơn; Điều 30 Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi không thanh lý hợp đồng in khi bên đặt in đã hoàn thành thủ tục thông báo phát hành; Quy định “không thanh lý hợp đồng in” tại điểm a khoản 2 Điều 29 và điểm a khoản 2 Điều 30 nêu trên được hiểu như sau: Trường hợp tại hợp đồng ký kết giữa bên đặt in và bên nhận in đã quy định rõ điều khoản thanh lý hợp đồng thì việc thanh lý hợp đồng thực hiện theo hợp đồng. Trường hợp tại hợp đồng không quy định thời điểm thanh lý hợp đồng thì việc thanh lý hợp đồng là thời điểm kết thúc hợp đồng.

Về việc sử dụng cách ghi chữ viết/chữ số theo kiểu nước ngoài trên hóa đơn: Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính nêu rõ: “Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt, thành tiền ghi bằng số và bằng chữ. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị.”

Trường hợp Doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn đa quốc gia, sử dụng phần mềm kế toán gắn với với phần mềm bán hàng có kết nối mạng với hệ thống quản lý của Tập đoàn trên toàn thế giới; các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng sử dụng phần mềm kế toán của nước ngoài hoặc mua trong nước có sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán; chữ viết trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu, việc sửa chữa phần mềm khó thực hiện được thì Bộ Tài chính chấp thuận để các doanh nghiệp được lựa chọn sử dụng chữ viết là chữ tiếng Việt không dấu và dấu phẩy (,), dấu chấm (.) để phân cách chữ số ghi trên hóa đơn như trên hoặc theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn. Trước khi sử dụng chữ viết trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu và quy cách ghi dấu theo kiểu nước ngoài, các doanh nghiệp phải có văn bản đăng ký với cơ quan thuế và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung hóa đơn lập theo cách ghi chữ viết, chữ số đã đăng ký. Bộ Tài chính giao Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thông báo đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố được biết và hướng dẫn doanh nghiệp có văn bản đăng ký với cơ quan thuế để lựa chọn áp dụng chữ viết và chữ số ghi trên hóa đơn.

(Theo Tài chính điện tử)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không