Chiều 9-6, cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) năm 2015, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần phải giám sát việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA. Đây cũng là một trong những nội dung Ủy ban Thường vụ QH nhận được từ đề nghị bằng văn bản của 70 cơ quan.
ĐBQH Lê Thị Nga: Cần giám sát tổng thể để bịt nhanh những kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong dùng ODA!
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị QH giám sát về việc quản lý và sử dụng ODA. Lý do theo lựa chọn của ĐB là trong tình hình nợ công tăng nhanh, đảm bảo việc quyết định sử dụng ODA một cách chính xác và hiệu quả là hết sức cần thiết.
“Bên cạnh mặt tích cực của sử dụng ODA trong những năm qua đã đóng góp rất tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, thì đã xuất hiện một số bất cập đó là hành lang pháp lý cơ bản vẫn ở tầm nghị định. Do đó phải giám sát để đảm bảo được việc quyết định dùng ODA đúng và sử dụng có hiệu quả, tránh việc chúng ta để lại cho con cháu món nợ lâu dài”, ĐB Lê Thị Nga lý giải.
Chúng tôi cho rằng rất cần QH cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ bằng việc giám sát chặt chẽ việc này!
ĐB Lê Thị Nga
|
Cũng theo ĐB, trong 4 khóa QH thì chưa có một lần nào QH giám sát tối cao về vấn đề này. Việc giám sát thể hiện QH cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân về việc sử dụng đồng vốn này.
Nhiều ĐB đồng tình với ĐB Lê Thị Nga, bởi giám sát vấn đề này là đảm bảo tính công khai, tính minh bạch, đảm bảo sự giám sát của người dân, của báo chí và công luận.
ĐB Nga thẳng thắn cho rằng: “Tôi nhớ vụ Huỳnh Ngọc Sĩ chúng ta xử lí rất lâu nhưng hối lộ từ Công ty Tư vấn Giao thông của Nhật (JTC) thì chúng ta xử lí rất nhanh. Đây là việc mà cử tri rất hoan nghênh. Nhưng bên cạnh xử lí nghiêm như vậy, chúng tôi cho rằng cần phải giám sát tổng thể để bịt nhanh những kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong dùng ODA, mà không chỉ trong lĩnh vực giao thông”.
Bày tỏ sự đồng tình với ĐB Lê Thị Nga, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, QH cần giám sát đối với nguồn vốn ODA, bởi vì hiện nay chúng ta đang chuẩn bị gia nhập TPP và hội nhập kinh tế, những vấn đề thương mại song phương, đa phương… nên rất cần thiết phải giám sát nguồn vốn quan trọng này.
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) lại nhìn vấn đề ở góc độ khác. ĐB cho rằng, phải gắn chuyên đề này trong bối cảnh tình hình phức tạp của biển Đông.
Theo ĐB: “Chuyên đề này rất nóng hổi, phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt rất nhiều nghiên cứu đang triển khai làm thế nào để nền kinh tế chúng ta bớt bị lệ thuộc vào nhập siêu từ Trung Quốc. Hàng hóa chúng ta không bị ách tắc, chúng ta đưa ra các phương án để xử lý những tình huống nếu như có những hình thức trả đũa về kinh tế trong mối quan hệ giữa các quốc gia”. Do đó, ĐB đề nghị phải nghiên cứu để đưa chuyên đề này “càng sớm, càng tốt”.
Đây là một trong ba chuyên đề được gửi xin ý kiến các ĐBQH chiều 9-6. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, sau khi lắng nghe ý kiến của ĐBQH tại phiên họp này, Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH. Những chuyên đề ĐBQH không chọn, Ủy ban Thường vụ QH sẽ nghiên cứu, giám sát chuyên đề đó.
5 tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát:
– Là những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH xem xét.
– Không trùng các chuyên đề trong chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH thời gian gần đây.
– Đảm bảo cân đối, phù hợp, hài hòa giữa các lĩnh vực.
– Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan được Ủy ban Thường vụ QH dự kiến giao chủ trì giám sát.
– Gắn với công tác xây dựng pháp luật và những vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng liên quan đến mốc thời gian năm 2015.
|
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông