Trong bối cảnh sức mua còn yếu như hiện nay, để hàng hóa có thể tiêu thụ tốt ngoài nỗ lực riêng của từng doanh nghiệp cần có sự kết hợp giữa các doanh nghiệp, nhà bán lẻ và nhà sản xuất.
Mua hàng Việt tại cửa hàng Vissan. Ảnh: Cao Thăng.
Nỗi niềm sản phẩm
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết điều kiện để hàng hóa có thể vào được các kênh phân phối hiện đại hầu như doanh nghiệp nào cũng biết. Song ông Nhân muốn nhấn mạnh ba yếu tố cơ bản: thứ nhất, sự ổn định về chất lượng, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ, những cơ sở sản xuất. Bởi với một số nhà cung cấp khi sản xuất bình thường thì ổn nhưng khi gặp đơn hàng số lượng lớn lại có trục trặc về chất lượng.
Thứ hai, hoạt động cung ứng và vận chuyển hàng hóa. Khi doanh nghiệp yếu về khâu này có thể gây thiếu hụt hàng hóa ở điểm bán của các nhà bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu sản phẩm.
Thứ ba, sự phù hợp thị hiếu và đúng xu hướng. Về yếu tố thứ ba theo ông Nhân đôi lúc sẽ có sự tranh luận giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất.
“Khi nhận định sản phẩm, chúng tôi không phải vì cảm quan mà dựa trên những nghiên cứu thị trường. Mỗi 6 tháng/1 lần Co.opMart thực hiện nghiên cứu thỏa mãn thị hiếu khách hàng. Ngoài ra, cùng trong một loại hàng hóa nhưng doanh nghiệp nào mang đến những yếu tố độc đáo hơn, sản phẩm sẽ được ưu tiên” – ông Nhân cho hay.
Minh chứng cho điều này, ông Nhân nói đến sản phẩm của SG Food. Nói về câu chuyện liên kết tiêu thụ hàng Việt, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty SG Food, chia sẻ đơn vị của bà không chỉ là nhà cung cấp hàng cho các siêu thị mà còn là người mua hàng của các siêu thị.
“Khi làm hàng nhãn riêng cho siêu thị nếu nguyên liệu từ siêu thị có giá tốt chúng tôi mua nguyên liệu về sản xuất. Hiện nay chúng tôi cũng có mua nguyên liệu của cả siêu thị nội và ngoại” – bà Lâm nói.
Đặc biệt ở một số thị trường như Nigeria và Lào tiêu thụ khá mạnh vì chính phủ những nước này khuyến khích người dân sử dụng. Nhưng tại Việt Nam sức tiêu thụ rất yếu chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của công ty.Nếu sản phẩm của SG Food nhờ tính độc đáo có thể nhanh chóng có mặt tại kênh phân phối hiện đại, có một câu chuyện về sản phẩm khác cũng đáng suy ngẫm. Bà Huỳnh Liên Lộc Thọ, Công ty Hanh Thông, chuyên sản xuất những sản phẩm từ cây chùm ngây (moringa), cho biết đến nay nhiều sản phẩm của Hanh Thông như trà chùm ngây, cà phê chùm ngây… được xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí sang một số nước như Trung Quốc, Nigeria…
Doanh nghiệp tự tìm đường
Khi được hỏi về doanh thu những tháng đầu năm 2014, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, cho biết nếu tính đến hết tháng 5 doanh thu tháng sau luôn cao hơn tháng trước, nhưng nếu so với năm ngoái doanh thu giảm đến 50%.
Hàng hóa của Minh Long Hưng vẫn được đưa vào các chợ truyền thống, siêu thị và phân phối đến nhiều vùng miền. Song do sức mua quá yếu, có chợ tiểu thương còn bỏ sạp nên để tồn tại doanh nghiệp phải chuyển qua hình thức bán hàng lưu động, lấy ngắn nuôi dài và theo cách ví von của vị doanh nhân này đây là cách tự “mở đường máu” cho mình.
“Nếu không nỗ lực xây dựng mạng lưới phân phối, khi cánh cửa hội nhập chính thức mở rộng rất nhiều doanh nghiệp có thể thua ngay trên chính sân nhà của mình” – ông Sinh chia sẻ.
Ông Sinh cũng đề xuất một vài biện pháp như các cơ quan chức năng cần quan tâm và có biện pháp mạnh tay hơn với vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra công khai. Những nhà sản xuất chân chính, những doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng, thương hiệu sẽ không cạnh tranh nổi với hàng giả, hàng nhái, vì để có được 1 thương hiệu chi phí đầu tư rất lớn.
Trở lại câu chuyện đưa hàng vào kênh phân phối, bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho biết hiện Vissan có hơn 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Nếu doanh nghiệp nào có nhu cầu đưa hàng vào chuỗi cửa hàng này có thể liên hệ trực tiếp với Vissan.
Câu chuyện tiêu thụ hàng Việt cũng còn nhiều gian nan, vẫn còn đó không ít doanh nghiệp muốn đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại nhưng vấp phải nhiều rào cản. Trước đây việc đưa hàng vào siêu thị được không ít đơn vị cho đó là mục đích quảng bá thương hiệu, nhưng nay theo chia sẻ của một số doanh nghiệp bán hàng cho siêu thị có lãi hơn bên ngoài.
Minh chứng cho điều này, chị Tô Hoa Hồng Điệp, Giám đốc Công ty Liêu Thanh, cho biết: “Ngày trước chúng tôi vừa cung cấp hàng cho siêu thị vừa ra chợ truyền thống, nhưng ngoài chợ tiền thu khó, trong khi vào siêu thị tính ổn định cao hơn. Giờ đây hàng hóa của công ty chủ yếu tiêu thụ trong siêu thị”.
Thời điểm hội nhập đang đến gần rất cần có sự chung tay, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà phân phối để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc ngay trên sân nhà của mình.
Theo Đầu tư tài chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông