Kiến thức Tài chính kế toán Bức tranh kinh tế Việt đang dần ổn định hơn

Bức tranh kinh tế Việt đang dần ổn định hơn

10
Dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế vĩ mô của nước ta đã dần ổn định hơn, điều này có thể thấy rõ qua những con số vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 5 tháng đầu năm 2014.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa.
Đầu tiên phải kể đến tình hình sản xuất công nghiệp, trong tháng 5/2014 ước tính tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013 (cao hơn 0,8% so với mức tăng của cùng kỳ năm trước). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,5%, đóng góp 5,3% vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 10,6%, đóng góp 0,7%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,1%, đóng góp 0,1%; riêng ngành khai thác tiếp tục giảm ở mức 2,1%, làm giảm 0,5% trong mức tăng chung toàn ngành. So với mức tăng của cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo 5 tháng có mức tăng cao hơn 2,2%; sản xuất và phân phối điện có mức tăng cao hơn 1,9%).
Trong lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 5 ước tính đạt 16761 tỷ đồng, bao gồm: vốn trung ương 3492 tỷ đồng; vốn địa phương 13269 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân NSNN đạt 66874 tỷ đồng, bằng 36,9% kế hoạch năm và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2013. 
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/5/2014 thu hút 500 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3668,8 triệu USD, giảm 4,6% về số dự án và giảm 17% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời có 167 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước, được cấp vốn bổ sung với 1840,2 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 5509 triệu USD, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2013. 
Về thu, chi NSNN đến thời điểm 15/5/2014, tổng thu NSNN từ đầu năm ước tính đạt 326,1 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán năm; tổng chi NSNN ước tính đạt 370,9 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 60,9 nghìn tỷ đồng, bằng 37,3% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 58,8 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể ước tính đạt 264,9 nghìn tỷ đồng, bằng 37,7%; chi trả nợ và viện trợ 45,2 nghìn tỷ đồng, bằng 37,6%.
Thương mại, giá cả và dịch vụ cũng là lĩnh vực có mức tăng trưởng khá. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2014 ước tính đạt 240,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1179 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6%). 
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước với một số mặt hàng đạt kim ngạch tăng cao: dầu thô tăng 23%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,9%; cà phê tăng 47,1% %. Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013. 
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5/2014 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,8 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,5 tỷ USD, tăng 11,4%.
Tính chung 5 tháng, xuất siêu 1,6 tỷ USD, bằng 2,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu khá cao với 6,9 tỷ USD; khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 5,3 tỷ. Như vậy, xuất siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khu vực FDI trong 5 tháng đầu năm. 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2014 tăng 0,2% so với tháng trước. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%; giao thông tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17% (lương thực giảm 0,51%; thực phẩm tăng 0,37%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,03%. CPI tháng 5/2014 tăng 1,08% so với tháng 12/2013 và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm tháng đầu năm tăng 4,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2013.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2014 giảm 0,85% so với tháng trước; tăng 1,38% so với tháng 12/2013; giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đôla Mỹ tháng 5/2014 giảm 0,04% so với tháng trước; giảm 0,17% so với tháng 12/2013; tăng 0,37% so với cùng kỳ năm 2013. 
Trong 5 tháng đầu năm nay, số khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 3,7 triệu lượt người, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2,3 triệu lượt người, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2013; khách đến vì công việc 629,2 nghìn lượt người, tăng 25,7%; thăm thân nhân đạt 646,7 nghìn lượt người, tăng 30,8%.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không