Kiến thức Tài chính kế toán Nỗ lực tìm giải pháp thay thế nguồn nguyên phụ liệu

Nỗ lực tìm giải pháp thay thế nguồn nguyên phụ liệu

24
Việt Nam hiện đang nhập siêu từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… và các DN Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu NK từ các nước này nếu không phát triển được nguồn nguyên liệu trong nước.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Nguồn nguyên phụ liệu của ngành Dệt may chủ yếu NK từ Trung Quốc. Ảnh: N.H
Nhập siêu lớn
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2013, kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 13,3 tỉ USD chủ yếu là nông sản và các nguyên liệu thô và NK của Trung Quốc gần 37 tỉ USD chủ yếu là nguyên liệu cho các thành phẩm linh kiện như các linh kiện điện thoại di động, các phụ kiện cho dệt may và da giày, các trang thiết bị cho các nhà máy điện. Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam NK từ Trung Quốc trên 12,4 tỉ USD (chiếm 28% trên tổng kim ngạch NK trong 4 tháng, trong đó có 2,3 tỉ USD là máy móc thiết bị, 2 tỉ USD là nhóm nguyên vật liệu dệt may, da giày, 1,29 triệu tấn sắt thép các loại.
Theo các chuyên gia, với cơ cấu NK từ Trung Quốc như trên, thực tế Việt Nam đang XK giùm cho Trung Quốc và phần gia tăng được hưởng rất ít ỏi. Không chỉ bán hàng hộ, chúng ta còn đang tiêu thụ công nghệ cho các DN Trung Quốc. Đơn cử như về lĩnh vực dệt may, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013, Việt Nam XK gần 18 tỉ USD hàng dệt may nhưng phải NK tới 14,8 tỉ USD, trong đó NK từ Trung Quốc là 5,56 tỉ USD. Tương tự, đối với mặt hàng điện thoại và linh kiện, năm 2013 Việt Nam XK 21,2 tỉ USD nhưng phải NK 8 tỉ USD, trong đó NK từ Trung Quốc là gần 5,7 tỉ USD.
Giải pháp?
Với lợi thế giá rẻ, thanh toán linh hoạt, mẫu mã đa dạng, bắt mắt, bà Hồ Trang, Giám đốc Công ty Lucky cho rằng chúng ta không thể thay đổi ngay lập tức thói quen của người tiêu dùng đối với hàng Trung Quốc. Do vậy, trước mắt DN vẫn phải là tìm các nhà NK trung gian từ các nước thứ 3 đang được hưởng ưu đãi thuế NK từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các đơn hàng đã kí sau đó chuyển hướng dần việc NK sang các nước khác. Theo bà Hồ Trang, với các điều kiện NK khó khăn như hiện nay, hàng Trung Quốc sẽ mất dần lợi thế giá rẻ, từ đó người tiêu dùng cũng sẽ dần dần thay đổi thói quen dùng hàng hóa của nước này.
Cùng chung quan điểm như trên, đại diện một DN cũng cho rằng về lâu dài các DN vẫn nên tiếp tục tận dụng nguồn nguyên liệu, đặc biệt là máy móc thiết bị giá rẻ của Trung Quốc để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao từ đó khẳng định thương hiệu của hàng hóa Việt Nam. Những tác động liên quan từ vấn đề Biển Đông cũng là cơ hội để DN Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn thông qua việc đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.
Nhằm tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa có công văn kêu gọi các DN trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để NK nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Theo Hiệp hội Dệt may, các DN có thể nhập khẩu xơ từ thị trường tiềm năng như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia; nhập khẩu sợi từ thị trường Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và nhập khẩu vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia…Bên cạnh việc kêu gọi các DN mở rộng các thị trường NK, Hiệp hội Dệt may còn đề nghị các DN cung cấp số liệu nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc năm 2013-2014 làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển nguồn cung ứng trong nước và tìm kiếm thị trường cung ứng thay thế.
Thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, các DN trong ngành nhựa cũng đã lên kế hoạch chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường mới thay thế khi mà có tới 80% nguyên liệu của ngành này phải NK. Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, hiện các DN nhựa đang tăng NK từ các nước trong khu vực nhất là Singapore do được miễn thuế NK từ các nước ASEAN. Thêm vào đó việc XK qua các nước ASEAN rất thuận tiện, DN có thể XK sang các nước ASEAN rồi xuất sang các thị trường khác nên đây là chính là cơ hội để DN trong nước từ bỏ nguồn nguyên liệu NK từ Trung Quốc.
Chia sẻ kinh nghiệm của DN trong việc tìm giải pháp thay thế nguồn nguyên phụ liệu, bà Phạm Thị Duyên đại diện Công ty Hương liệu và thực phẩm Hoàng Anh cho biết, thời gian qua mặt hàng hương liệu phải NK 100% từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là NK từ Trung Quốc do giá rẻ. Tuy nhiên, Công ty Hoàng Anh đã chủ động nghiên cứu tạo ra hương liệu để không phải NK do đó không chỉ khách hàng được hưởng lợi về giá mà còn giảm được chi phí rất lớn cho DN thông qua việc giảm chi phí thiết kế giảm thời gian đặt hàng, giảm chi phí NK. “Muốn làm được điều đó, DN phải có nhà máy đầu tư theo chiều sâu với trang thiết bị đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế, và kinh nghiệm học hỏi từ nước ngoài”, bà Duyên cho biết.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không