Những bất lợi của việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc đã được giới chuyên gia cảnh báo từ lâu, tuy nhiên những biến chuyển thay đổi sự phụ thuộc này còn chậm. Sự cố ở Biển Đông lần này chính là “cú hích” để Việt Nam cải thiện nhanh hơn tình trạng này.
Trung Quốc là thị trường cả XK và NK lớn Việt Nam. Ảnh: Internet
Phụ thuộc lớn
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường Trung Quốc hiện là một đối tác quan trọng của Viêt Nam. Năm 2013, XK sang Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Không chỉ đóng góp vào thành tích XK, Trung Quốc còn là thị trường NK lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch NK của cả nước.
Trong 5 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã XK sang Trung Quốc 6,1 tỷ USD, tăng trưởng 23,7% so với cung kỳ và NK từ thị trường này 16,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Những mặt hàng XK sang Trung Quốc chủ yếu là hàng nông sản như gạo, sắn, cao su, thủy sản…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, XK nhóm hàng này đang có xu hướng giảm. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc NK sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam với kim ngạch 374,5 triệu USD, chiếm 86,6% XK sắn cả nước, giảm 17,1% so với cùng kỳ. Ngoài ra, XK cao su trong 4 tháng đầu năm sang Trung Quốc cũng giảm 37,7% về số lượng và 53,4% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Một số ý kiến cho rằng, giao thương Việt Nam – Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi biến động ở Biển Đông (khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam). Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sự cố này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sản xuất và XK thủy sản, bởi lẽ XK hải sản của Việt Nam thông qua việc đánh bắt ở biển Đông cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Tuy nhiên, quan hệ XNK thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc kể cả tại cửa khẩu, đường chính ngạch, đường tiểu ngạch hiện nay đang bình thường, có chăng sự ảnh hưởng này cũng chỉ là ảnh hưởng về mặt tâm lý. “Cần tiếp tục nghiên cứu diễn biến tình hình để phân tích dự báo ứng phó nếu tình hình có phức tạp”, Bộ trưởng nói.
Tuy chưa ảnh hưởng đến giao thương của Việt Nam – Trung Quốc nhưng lo ngại về sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc đã được giới chuyên gia cảnh báo từ lâu. Phụ thuộc lớn nhất của Việt Nam vào thị trường này thể hiện ở con số nhập siêu khổng lồ. Năm 2013, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc lên tới 23,7 tỷ USD và trong 5 tháng đầu năm 2014 con số này cũng đã xấp xỉ khoảng 10 tỷ USD.
Nguyên nhân của việc nhập siêu lớn từ Trung Quốc theo người đứng đầu Bộ Công Thương là do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Trung Quốc gần nhau, nguồn cung dồi dào, giá cả cạnh tranh nên tỷ lệ NK càng tăng, tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày, linh phụ kiện điện tử và thiết bị tiêu dùng. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc còn thể hiện ở việc nông sản Việt Nam như dưa hấu, thanh long… liên tục rớt giá khi có những tin đồn Trung Quốc đóng cửa biên giới.
Đa dạng thị trường
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc là điều cần thiết nhưng mặt khác, Việt Nam cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường để có thêm thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, các biện pháp để hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc đã được triển khai nhưng quy mô thị trường này tương đối lớn nên cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Việt Nam đang có nhiều hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, tham gia nhiều các phiên đàm phán như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do… để mở rộng hơn nữa thị trường XK sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, hướng tới đa dạng hóa thị trường XNK. Hay như mặt hàng gạo, Việt Nam đã ký 3 hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường NK nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang đồng hành cùng các sở Công Thương, DN Việt Nam thúc đẩy Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tạo cho người tiêu dùng có thói quen dùng hàng Việt. “Sự kiện Biển Đông có thể coi là “cú hích” để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa, kêu gọi lòng yêu nước của mọi người, từ DN đến người dân. Dùng hàng Việt cũng là biểu hiện của lòng yêu nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Để giải quyết bài toán nhập siêu từ Trung Quốc, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nền kinh tế cần có sự chuyển hướng theo hướng tăng cường nội lực của nền kinh tế thông qua khả năng sản xuất, cung ứng nguyên liệu, vật liệu, đồng thời tìm các đối tác tương đương hoặc có chất lượng tốt hơn Trung Quốc như các thành viên trong ASEAN, Hàn Quốc.
Các DN tư nhân của Việt Nam phải linh hoạt hơn để tự tìm kiếm những nguồn thay thế. Rất cần sự chủ động của các DN giống như động thái kêu gọi DN trong ngành chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… của Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông