Kiến thức Tài chính kế toán Hạn chế vi phạm kỷ luật ngân sách để quản lý tốt...

Hạn chế vi phạm kỷ luật ngân sách để quản lý tốt NSNN

208
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), chính sách tài khóa 2014 mặc dù có một số thuận lợi, nhưng trong ngắn hạn vẫn tiếp tục đứng trước những khó khăn rất lớn, trong đó có việc chấp hành kỷ luật ngân sách. Theo TS. Cường, nếu không có những cải cách triệt để, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô trong tương lai.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Chính phủ thực hiện các giải pháp siết chặt chi tiêu công khiến tình trạng vi phạm kỷ luật ngân sách có tiến bộ. Ảnh Internet.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm
TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc chấp hành kỷ luật ngân sách không nghiêm là vấn đề đáng quan tâm cả trong chấp hành ngân sách ở trung ương và địa phương.
Trong đó, tình trạng vi phạm kỷ luật diễn ra cả ở các bộ, ngành trung ương và cả ở các địa phương. Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của nhiều địa phương đều cho thấy việc chấp hành quy định về thu, chi, quản lý NSNN phần lớn đều kém. Những bất cập đó phải kể đến việc để xảy ra thất thu lớn và chi tiêu sai còn nhiều, tổ chức thu, chi bất hợp lý, không khoa học… thậm chí có sự tùy tiện, sai phạm ở nhiều cấp.
Trong báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2012 gửi tới Quốc hội vừa qua, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhận định thực trạng đáng báo động về tình trạng chi sai chế độ, khi kiểm toán nhà nước phát hiện chi sai chế độ tại cả 34/34 địa phương đầu mối. Chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán- tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng. Trong đó, có 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%. Tất cả những điều đó dẫn đến việc nhiều địa phương không cân đối được nguồn thu- nguồn chi, ảnh hưởng không nhỏ đến yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Chi ngân sách tại nhiều địa phương vượt dự toán Trung ương giao, đồng thời cao hơn số dự toán HĐND tỉnh giao. Điều đó cho thấy dự toán chi NSNN chưa lường hết các nhiệm vụ chi trong năm.
Có những khoản chi cho KHCN, giáo dục- đào tạo, bảo vệ môi trường, sự nghiệp kinh tế ở một số địa phương không đạt dự toán được giao. Ví dụ, tỉnh Lào Cai chi sự nghiệp giáo dục đào tạo chỉ đạt 90,9% dự toán; chi sự nghiệp KHCN 89,7%; chi sự nghiệp kinh tế 36,9% dự toán. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã đề nghị Chính phủ tổng hợp, đánh giá nguyên nhân để khắc phục, bảo đảm thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đáng lo ngại
Theo nhận định của TS. Vũ Sỹ Cường, mặc dù tình trạng vi phạm kỷ luật ngân sách đã có một vài tiến bộ sau khi Chính phủ thực hiện các giải pháp siết chặt hơn chi tiêu công. Song việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách đang thực sự là vấn đề lớn, đáng lo ngại, cần được xem xét, bàn thảo để tìm ra giải pháp hiệu quả để quản lý tốt NSNN.
“Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm kỷ luật ngân sách phổ biến là do quy trình lập, quản lý ngân sách hiện nay còn lạc hậu, việc thực hiện ngân sách lồng ghép dẫn đến tình trạng không thể chỉ ra trách nhiệm của các vi phạm thuộc vào ai. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới phân cấp NSNN, cụ thể là tách bạch rõ ràng các cấp ngân sách, xóa bỏ mô hình ngân sách lồng ghép là giải pháp quan trọng nhằm tăng hiệu lực của các cơ quan dân cử trong giám sát thực thi ngân sách”, TS. Vũ Sỹ Cường nhận định.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2012, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, để giải quyết căn cơ NSNN chính là vấn đề lồng ghép ngân sách. Quốc hội kiểm soát ngân sách quốc gia 2 phần, một là chi cho Trung ương và trợ cấp cho địa phương một cách minh bạch. Còn ngân sách địa phương là nguồn thu của địa phương, theo luật thì tự chủ của địa phương.
“Chúng ta lại ghép 2 vấn đề này lại, một là nguồn thu của của địa phương theo luật, hai là phần trợ cấp của trung ương, hai vấn đề khác nhau, trách nhiệm khác nhau. Chúng ta phải minh bạch 2 khoản này. Nếu địa phương chi từ khoản thu của địa phương theo luật thì trung ương không can thiệp. Còn phần Trung ương trợ cấp, thì chính quyền địa phương chi theo ủy nhiệm chi, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Quốc hội khi phân bố thì giám sát”, ĐB Trần Du Lịch đề xuất.
Trong các nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong năm tài khóa 2014, Bộ Tài chính cũng ưu tiên thực hiện giải pháp về tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính- NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN; Tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hiện nghiêm quy định không ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, đề án có sử dụng NSNN nhưng không hoặc chưa cân đối được nguồn; Tập trung chỉ đạo công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình, dự án hoàn thành.
Đồng thời, thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi trong phạm vi dự toán được giao và theo đúng chế độ quy định; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; Chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước; Triệt để tiết kiệm, đặc biệt là dự toán chi xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền.
Trong đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định để tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách trong năm tài chính 2014.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không