Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan hướng dẫn một số giải pháp hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh.
Ảnh: Minh họa. Nguồn Internet.
Miễn thuế NK theo cam kết của DN
Về miễn thuế NK, không thu thuế GTGT hàng NK để sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư hại, tổn thất, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể như sau:
Về lập và đăng ký Danh mục hàng hóa miễn thuế NK, không thu thuế GTGT hàng NK: Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi DN bị thiệt hại đóng trụ sở hướng dẫn DN bị thiệt hại căn cứ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do DN lập và đăng ký Danh mục hàng hóa được miễn thuế NK, không thu thuế GTGT hàng NK để phục vụ sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư hại, tổn thất kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi.
Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh, thành phố nơi có DN bị thiệt hại khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. |
Trường hợp chưa có Biên bản kiểm kê xác nhận giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của DN để thực hiện việc lập và đăng ký Danh mục.
Thời điểm đăng ký Danh mục được xác định là trước khi đăng ký tờ khai NK đầu tiên của hàng hóa NK để sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư hại thuộc Danh mục.
Hồ sơ miễn thuế NK, không thu thuế GTGT hàng NK trong trường hợp này cũng được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, hồ sơ gồm: Danh mục hàng hóa được miễn thuế NK, NK phục vụ sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư hại tổn thất kèm theo Phiếu theo dõi đăng ký trừ lùi đã được đăng ký với cơ quan Hải quan; Các hồ sơ thủ tục khác theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Về thẩm quyền miễn thuế NK, không thu thuế GTGT hàng NK, công văn cũng nêu rõ: Cơ quan Hải quan nơi DN NK hàng hóa thực hiện miễn thuế NK, không thu thuế GTGT hàng NK thuộc Danh mục đã đăng ký. Trường hợp nơi DN NK hàng hóa khác nơi xảy ra tổn thất thì cơ quan Hải quan nơi xảy ra tổn thất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hải quan nơi NK để thực hiện việc miễn thuế NK, không thu thuế GTGT hàng NK.
Lương cho NLĐ thời gian nghỉ việc được trừ vào thuế TNDN
Về thuế TNDN, DN bị thiệt hại, tổn thất được kê khai vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với phần chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động phải nghỉ việc trong các trường hợp sau:
Trong trường hợp DN đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 25-5-2014 mà có chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động trong thời gian phải nghỉ việc từ ngày 12-5-2014 đến khi trở lại làm việc, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với phần chi trả tiền lương, tiền công nêu trên.
Trường hợp DN bị thiệt hại trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 6-2014 mà người lao động của DN đã được ngân sách ứng trước tiền lương, tiền công của tháng 4-2014 và những ngày đầu tháng 5-2014: DN thực hiện trả lại ngân sách số tiền ứng trước nêu trên và hạch toán số tiền này vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN.
Tùy mức độ thiệt hại để miễn, giảm tiền thuê đất
Về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
Đối với các DN bị thiệt hại nói chung và công ty kinh doanh hạ tầng bị thiệt hại, căn cứ mức độ thiệt hại của DN, Cục Thuế báo cáo UBND tỉnh, thành phố thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuê hạ tầng theo hướng dẫn tại công văn số 6642/BTC-CST ngày 21-5-2014 của Bộ Tài chính.
Công ty kinh doanh hạ tầng miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng cho DN bị thiệt hại và chi phí này DN được trừ vào tiền thuê đất và không bị loại trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN.
Bộ Tài chính yêu cầu Cục thuế tỉnh, thành phố nơi có DN bị thiệt hại phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát các trường hợp DN bị thiệt hại nặng, phải ngừng sản xuất kinh doanh để đầu tư khôi phục hoạt động trở lại, bao gồm cả trường hợp DN phải thuê đất, thuê cơ sở vật chất ở địa điểm mới để đầu tư khôi phục sản xuất.
Trên cơ sở mức độ thiệt hại của từng DN và mức độ hỗ trợ theo các giải pháp về thuế tại công văn số 6642/BTC-CST ngày 21-5-2014 của Bộ Tài chính, Cục thuế tỉnh, thành phố nơi có DN bị thiệt hại báo cáo với UBND tỉnh, thành phố quyết định việc miễn tiền thuê đất cho DN kể từ năm 2014.
Trường hợp sau khi thực hiện việc miễn tiền thuê đất trên mà DN vẫn còn khó khăn thì tham mưu với UBND tỉnh trên cơ sở cân đối nguồn của ngân sách địa phương để quyết định việc hỗ trợ bằng phương pháp ngân sách hoàn trả tiền thuê đất mà DN đã nộp trước khi phải ngừng sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền miễn, hoàn và các giải pháp khác không quá số tiền DN bị thiệt hại.
Bộ Tài chính yêu cầu, Cục Thuế, Cục Hải quan báo cáo kết quả thực hiện chung về Bộ Tài chính. Nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc báo cáo về Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời.
Như vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát và ban hành kịp thời hướng dẫn giải pháp giúp các DN khắc phục thiệt hại, tổn thất nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông