Thống kê mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN có xu hướng tăng dần, trong khi nền kinh tế vẫn dựa vào đầu tư công. Để không ảnh hưởng đến tính bền vững của ngân sách Nhà nước (NSNN) trong năm 2014 và những năm tiếp theo, cần tiếp tục triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách, đồng thời thay đổi cơ cấu chi theo nguyên tắc Nhà nước chỉ bao cấp những dịch vụ công cần thiết.
Hoạt động nghiệp vụ kho quỹ tại KBNN Phú Thọ. Ảnh: T.Hằng
Dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, nghĩa là rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. |
Tỷ trọng chi thường xuyên tăng dần
Điều đó thể hiện qua các con số: Từ 50,4% tổng chi NSNN năm 2005 lên mức 61,7% năm 2012 (không kể chi chuyển nguồn), trong đó chi cho lương và các khoản phụ cấp, đóng góp theo lương chiếm khoảng 50% tổng chi thường xuyên và 30% tổng chi NSNN.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính Vũ Nhữ Thăng, điều này cho thấy kết quả của quá trình cải cách hành chính, cụ thể là chính sách tinh giản biên chế chưa được như mong đợi. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nhu cầu chi cho đảm bảo an sinh xã hội, chi hỗ trợ đối tượng chính sách, đối tượng nghèo vẫn tăng lên. Nhiều chính sách an sinh xã hội còn trùng lắp, chi sự nghiệp trong cơ cấu chi của một số Chương trình mục tiêu quốc gia có xu hướng tăng lên. Ví dụ như Chương trình việc làm có tỷ trọng chi sự nghiệp năm 2009 chỉ chiếm có 11% thì đến 2012 đã lên tới 73,9%; tỷ trọng này đối với Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là 55,6% và 86,8%… đã ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSNN.
Trong khi đó, theo tính toán của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, xét về quy mô vốn đầu tư, đầu tư của khu vực nhà nước và đầu tư từ NSNN luôn tăng. Tuy nhiên, nếu so sánh quy mô vốn đầu tư bình quân của giai đoạn trước so với giai đoạn sau cho thấy xu hướng tăng đã giảm đi rõ rệt. Đối với vốn đầu tư từ NSNN, khi so sánh quy mô vốn bình quân từng giai đoạn 5 năm trong cùng thời kỳ như trên cũng cho thấy xu hướng giảm lần lượt là 10,2 lần; 3,3 lần; 2,3 lần; 2,1 lần. Đối với giai đoạn 2013-2011 so với giai đoạn 2006-2010 là mức tăng chỉ còn gấp có 1,5 lần. Về cơ cấu vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong tổng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước thì vốn đầu tư từ NSNN cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Điều này thể hiện vai trò định hướng, dẫn dắt của kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đầu tư công mà đặc biệt là đầu tư từ NSNN bị giảm đi đáng kể. Đầu tư từ NSNN có xu hướng giảm dần từ 25,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2005 xuống còn 18,9% năm 2013. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm (%) so với GDP, vốn đầu tư từ NSNN giảm từ 8,5% năm 2010 xuống còn 6,1% năm 2013 và 3,9% theo dự toán 2014.
Cần áp dụng khuôn khổ chi tiêu trung hạn
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, điều này nhìn chung phù hợp với định hướng phân cấp ngân sách mạnh cho các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cần chú ý tới nợ đọng trong xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương hiện vẫn là vấn đề nổi cộm, đòi hỏi phải được giải quyết để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả.
Có cái nhìn lạc quan hơn về chi ngân sách, TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, tổng chi NSNN năm 2013 chỉ tăng khoảng 1% dự toán năm. Đây là năm thứ hai liên tiếp chi NSNN có sự chênh lệch không nhiều so với dự toán chi cân đối NSNN. Kết quả này có thể coi là thành công của việc thực hiện chính sách tài khóa tiết kiệm và là hướng đi đúng đắn cần tiếp tục trong những năm tới. Kinh tế vĩ mô ổn định với chỉ số lạm phát thấp hơn giai đoạn trước cũng là lý do dẫn tới số chi cân đối NSNN tăng thấp so với dự toán. Dự toán chi NSNN năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng,…). Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, nghĩa là rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm.
Để cân đối, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2014 chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Bố trí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại (sau khi đảm bảo tiền lương, chính sách chế độ cho con người) đều thấp hơn so với dự toán năm 2013. Trong đó, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng; ngoài ra, tiết kiệm (giảm) 10% chi thường xuyên ngoài lương của các cơ quan, đơn vị so với dự toán năm 2013; không bố trí mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm, không tăng biên chế, chỉ bố trí tối đa khoảng 70% so với năm 2013 đối với các khoản chi hội nghị, hội thảo, đoàn ra,…
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối với các địa phương, trong điều kiện thu 2014 thấp, số bổ sung từ ngân sách trung ương không tăng, để đảm bảo các chế độ, chính sách trên địa bàn đòi hỏi các địa phương cũng phải quán triệt nguyên tắc triệt để tiết kiệm.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, với các khoản chi được thực hiện trong nhiều năm thì việc áp dụng khuôn khổ chi tiêu trung hạn là rất cần thiết. Điều này cũng cho phép cải thiện hiệu quả chi NSNN cho các dự án đầu tư khi phương pháp này đòi hỏi việc lập các dự án phải có thứ tự ưu tiên, chỉ rõ các kết quả đầu ra thay vì chỉ dựa trên nguồn lực sẵn có như hiện nay. TS. Cường cho rằng, việc cắt giảm quy mô chi tiêu NSNN cũng sẽ cho phép làm giảm thâm hụt, từng bước cân bằng NSNN. Với tỷ lệ ngày càng lớn trong ngân sách thì sẽ khó có thể thực hiện điều này nếu không thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm chi tiêu. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn với việc cắt giảm chi tiêu trong quản lý hành chính và cải thiện hiệu quả làm việc của bộ máy. Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng công chức những năm gần đây, nhất là ở cấp xã, là rào cản rất lớn cho việc cắt giảm chi tiêu công.
Đối với những khoản chi tiêu cho khu vực sự nghiệp, theo TS. Cường, có thể xem xét thay đổi cơ cấu chi tiêu theo nguyên tắc Nhà nước chỉ bao cấp những dịch vụ công cơ bản, cần thiết và tăng dần sự tham gia của các thành phần kinh tế khác vào cung cấp dịch vụ.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông