Quản lý địa bàn rộng, có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, nên trong nhiều năm qua, bên cạnh việc làm tốt công tác gác cửa kinh tế, hai đơn vị Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum và Cục Hải quan Đắk Lắk còn nắm trọng trách góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Chính vì vậy, để làm tốt cả hai nhiệm vụ trên, các đơn vị đã phải phối hợp chặt chẽ với nhiều lực lượng, trong đó có cả Hải quan nước bạn Campuchia.
Công chức Hải quan cửa khẩu Bu Prăng phối hợp cùng Bộ đội biên phòng kiểm tra phương tiện XNC
Nỗ lực tạo thuận lợi thương mại
Hoạt động XNK, XNC tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum với Campuchia những năm qua chủ yếu diễn ra tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Hiện nay, nhờ hệ thống đường giao thông thuận tiện, các dự án đầu tư trồng cây công nghiệp, nông nghiệp được đầu tư và mở rộng, việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC. Vì vậy, trong thời gian qua, tình hình hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC tương đối ổn định và tăng dần theo từng năm. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là các loại máy móc thiết bị tạm xuất tái nhập, vật liệu xây dựng, cây giống, phân bón, hàng bách hóa tổng hợp, năng lượng điện, xăng dầu tái xuất; hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là gỗ các loại, hàng nông sản, máy móc thiết bị tái nhập. Tương tự, hoạt động thương mại tại Cục Hải quan Đắk Lắk và Campuchia chủ yếu qua các cửa khẩu BuPrăng, cửa khẩu Đắk Peur và lối mở 751 – tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, hàng hoá XNK tại các cửa khẩu nói trên phát sinh chưa nhiều, chủ yếu là nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt tiêu dùng như xà phòng, mì ăn liền… của cư dân biên giới.
Trong những năm qua, Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk và Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum luôn nỗ lực trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương vùng biên giới. Cụ thể, hai đơn vị thường xuyên bố trí cán bộ công chức hướng dẫn về thủ tục hải quan và hỗ trợ giải quyết các vướng mắc khi DN, tổ chức, cá nhân có yêu cầu, đồng thời bố trí nguồn nhân lực, đảm bảo thời gian trực và làm việc đáp ứng yêu cầu của hoạt động XNK, XNC, quá cảnh. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cũng được trang bị đầy đủ nhằm hỗ trợ cho các khâu nghiệp vụ hải quan trong quá trình thông quan hàng hóa…
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh đã làm thủ tục XNK cho 1.452 tờ khai với kim ngạch trên 109 triệu USD và trên 71.000 lượt hành khách, phương tiện XNC, xuất nhập biên. Các cửa khẩu tại Cục Hải quan Đắk Lắk cũng đã làm thủ tục cho khoảng 200 tờ khai với kim ngạch 35 triệu USD và trên 660 lượt phương tiện vận tải XNC.
Giữ vững an ninh kinh tế – chính trị
Hàng năm, lãnh đạo Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum, Cục Hải quan Đắk Lắk và lãnh đạo Hải quan các tỉnh Moldunkiri, tỉnh Ratanakiri của Campuchia thường xuyên trao đổi thông tin, diễn biến tình hình liên quan đến thực hiện pháp luật của mỗi nước trong từng thời kỳ để chủ động triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC giữa hai nước đồng thời kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan và vi phạm pháp luật khác liên quan. Trong năm 2014, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum lập kế hoạch tiếp đón đoàn Hải quan tỉnh Ratanakiri sang thăm và làm việc với lãnh đạo Cục và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm đóng chân trên địa bàn cũng được thực hiện chặt chẽ. Nhờ đó, trên địa bàn không để xảy ra các hoạt động tranh chấp, lấn chiếm biên giới, xâm canh, xâm cư trong khu vực biên giới. Các bên chủ động, kịp thời thông báo cho nhau những quy định mới, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các văn bản có liên quan đến hoạt động của các ngành, thông tin về tình hình, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum Lê Thị Thanh Huyền, hàng hóa XNK phát sinh tại địa bàn không đa dạng về chủng loại, các mặt hàng nhạy cảm, có thuế suất cao, các mặt hàng cấm XNK hoặc XNK có điều kiện ít phát sinh, phần lớn hàng hóa có thuế suất bằng 0% và một số mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Chính vì vậy, tình hình gian lận thương mại hầu như không phát sinh. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong thời gian qua cũng không có gì nổi cộm ngoài một số đối tượng là người dân cư trú tại địa bàn cửa khẩu lợi dụng đêm tối vận chuyển gỗ xẻ các loại bằng xe gắn máy 2 bánh vào khu vực cửa khẩu để bán, tuy nhiên số lượng không nhiều. Trước tình hình trên, các Chi cục, Đội kiểm soát Hải quan đã tổ chức cho cán bộ công chức đi nắm bắt tình hình để có phương án tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và bắt giữ. Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm lực lượng Hải quan chưa bắt giữ được vụ nào do các đối tượng vận chuyển gỗ sử dụng xe gắn máy, trời tối đường rừng rất nguy hiểm, đối tượng vận chuyển nhỏ lẻ nên việc truy bắt rất khó khăn.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông