“Tôi hứa từ nay đến hết nhiệm kỳ này, nếu trời để sống, tôi không đi nước ngoài nữa”, câu nói của Đại biểu Đỗ Văn Đương tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội vừa qua đã khiến rất nhiều Đại biểu tại hội trường và cử tri cả nước theo dõi truyền hình trực tiếp rơi nước mắt.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương
Những ngày qua, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam luôn là đề tài nóng và thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các Đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Trong vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, cụm từ “thắt lưng buộc bụng” vốn đã đã trở nên quen thuộc trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội nhưng có lẽ chưa lúc nào nhận được sự đồng lòng như lúc này.
“Chính phủ cần thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu tối đa các đoàn ra nước ngoài, nghiêm cấm mua xe công; Không làm phình to bộ máy và biên chế, tạm ngừng xây dựng trụ sở mới… Yêu cầu các địa phương tổng rà soát các dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân…. Các DN hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng việc đầu tư kinh doanh, hợp tác làm ăn lâu dài với ngư dân như cung ứng hậu cần, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển, đóng tàu cổ phần chia lợi nhuận. Chính quyền các địa phương sẽ ưu đãi về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ cho các DN, nhưng nghiêm trị hành vi trục lợi của các tổ chức cá nhân” – Đại biểu Đương đề nghị.
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân để đáp ứng như cầu nâng cấp phương tiện cũng như đời sống cho cán bộ chiến sĩ. Theo bà Ngân, đây là vấn đề rất lớn cần được Quốc hội thảo luận và quyết định trong kỳ họp này.
“Thắt lưng buộc bụng” để dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế): 28 tỉnh, thành phố ven biển có trên 1 triệu ngư dân, đặc biệt có một lực lượng dự bị động viên hết sức hùng hậu đã qua nghĩa vụ hải quân, nghĩa vụ biên phòng. Lực lượng này nếu tổ chức lại thì chúng ta có một thế trận quốc phòng toàn dân trên biển bảo vệ vững chắc biển đảo – ông Nghĩa phân tích.
Như vậy để đạt được mục tiêu 16.000 tỉ đồng, sẽ cần phải “thắt lưng buộc bụng” để có thêm nhiều tỉ đồng nữa. Chính vì vậy, Đại biểu Đương đề cho rằng: “Các ĐBQH rơi nước mắt nhiều nhưng có lẽ cần phải thể hiện bằng nghị quyết với những chỉ tiêu định lượng cụ thể. Tôi đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội về kinh tế – xã hội tới đây, cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế”.
Nhưng có lẽ, hơn bất kỳ một lời hứa, hơn bất kỳ một nghị quyết nào, khi tổ quốc cần, khi sự quyết tâm được thể hiện bằng hành động và đồng thuận của các Đại biểu cũng như cử tri trong cả nước thì mục tiêu 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân chắc chắn sẽ thành hiện thực!
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông