Điều hành NSNN trong 5 tháng/2014 đã đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai…
Kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013; nhập siêu khoảng 6 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến hết ngày 20/5/2013, cả nước có 500 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.669 triệu USD. Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong 5 tháng đầu năm 2013 là 167 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm là 1.840 triệu USD. Tính chung cả vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 5.509 triệu USD.
Tổng thu cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 65 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 358,55 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:
Thu nội địa: đạt 248,71 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 15,3%). Trong đó, nhiều khoản thu quan trọng tiến độ đạt khá, như: thu từ kinh tế quốc doanh đạt 44,3% dự toán, tăng 33,8%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 47,1% dự toán, tăng 13,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,1% dự toán, tăng 16,6%.
Thu về dầu thô: ước đạt 46,44 nghìn tỷ đồng, bằng 54,5% dự toán, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2013. Giá dầu thanh toán bình quân từ đầu năm đến nay đạt khoảng 113,2 USD/thùng, tăng 15,2 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 6,28 triệu tấn, bằng 43,9% kế hoạch năm.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 94,98 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4% dự toán, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt khá, trong đó một số mặt hàng chịu thuế suất cao, trị giá lớn tăng mạnh so với cùng kỳ. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (33 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 61,98 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Tổng chi NSNN tháng 5 ước 82,8 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng ước đạt 414,09 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó:
Chi đầu tư phát triển: thực hiện tháng 5 ước 12,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng đạt 67,06 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1% dự toán, bằng 97,7% cùng kỳ năm 2013, trong đó: cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước đạt 52,7% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 48,4% dự toán…
Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB, tổng số vốn thanh toán và tạm ứng theo chế độ ước 64,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán. Vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 40,4% kế hoạch (cùng kỳ năm 2013 vốn giải ngân đạt khoảng 35,4% kế hoạch).
Chi trả nợ và viện trợ: thực hiện tháng 5 ước 10,16 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng đạt 50,48 nghìn tỷ đồng, bằng 42,1% dự toán, bằng 110,3% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán các khoản nợ đến hạn theo cam kết.
Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: thực hiện tháng 5 ước 60,54 nghìn tỷ đồng; luỹ kế 5 tháng đạt 296,55 nghìn tỷ đồng, bằng 42,2% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 5 tháng đầu năm được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai… Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 5 đã chi 1.062,1 tỷ đồng nguồn dự phòng NSTW để bổ sung kinh phí quốc phòng và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2013-2014.
Về tình hình huy động vốn cho NSNN: Tính riêng tháng 5/2014 đến hết ngày 28/5/2014, Kho bạc Nhà nước huy động trái phiếu Chính phủ đạt 22.203,1 tỷ đồng, đạt 31,7% kế hoạch quý II/2014. Như vậy, luỹ kế từ đầu năm tới ngày 28/5/2014, KBNN huy động được 124.984,4 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch năm.
Trong tháng 5/2014, lãi suất TPCP trong kỳ báo cáo giảm nhẹ, mặt bằng lãi suất thấp khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc mua vào. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương (+) khiến cho nhu cầu đầu tư vào TPCP giảm.