Kiến thức Chiến lược Tái lập tăng trưởng bền vững cho Việt Nam

Tái lập tăng trưởng bền vững cho Việt Nam

4
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trái phép ở thềm lục địa của Việt Nam đang ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, nhưng đa phần đều tin rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tái lập tăng trưởng bền vững.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa
Lợi thế phát triển
Năm 2013, mặc dù nền kinh tế thế giới và Việt Nam đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,42%, lạm phát được kìm chế ở mức 6,6% – thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan.
Trong năm 2013, vốn đăng ký đạt 22,3 tỷ USD, tăng 35,9% và vốn thực hiện 11,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012. Quý I/2014, Việt Nam có mức tăng trưởng tốt với mức tăng GDP đạt 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, lạm phát được kiềm chế ở mức 1,24%.
Việt Nam đang có những lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là cơ cấu dân số vàng, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực. Việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế (xây dựng cộng đồng ASEAN và đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới) sẽ giúp Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.
Phát biểu tại diễn đàn kinh tế “Tái lập tăng trưởng kinh doanh bền vững cho Việt Nam” do kênh truyền hình Channel NewsAsia tổ chức vào cuối tuần qua, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, hiện Chính phủ ưu tiên thực hiện ba đột phá chiến lược.
Cụ thể là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao song song với việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) từ 1/1/2014 xuống còn 22% (DN nhỏ sử dụng dưới 200 lao động, doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm, thuế thu nhập DN còn 20%).
Từ 1/1/2016, mức thuế trên được giảm xuống tương đương 20% và 17%. Để khuyến khích nhà đầu tư mở rộng hoạt động tại Việt Nam, Chính phủ đã khôi phục ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Không chỉ đầu tư mới mà các dự án đầu tư mở rộng cũng được ưu đãi thuế.
Để phát triển bền vững
Những lợi thế trên giúp nền kinh tế chuyển biến tích cực nhưng hiện tại lại bị thách thức bởi những bất ổn về chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, bà Nicola Connolly, Tổng giám đốc Adecco Vietnam, Chủ tịch Eurocham, cho biết, đã ở Việt Nam nhiều năm, thấy có nhiều điều tốt cho nhà đầu tư nước ngoài.
Những điều mới xảy ra có thể có ảnh hưởng hiện tại nhưng những nhà đầu tư lại nhìn vào tương lai. Việt Nam có cơ hội rất lớn để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Theo bà Connolly, Việt Nam khá an toàn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Và không gì ngạc nhiên khi Chính phủ đưa ra những đền bù cho những thiệt hại mà DN phải gặp trong các sự kiện vừa qua.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, vấn đề của Việt Nam là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cộng đồng DN, tái xác lập kinh tế ổn định cho Việt Nam. “Chính phủ đã có những cam kết về đầu tư và những bồi thường đã được áp dụng. Sự ổn định kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra”, ông Doanh nói.
Về FDI, theo ông Warrich Antony Cleine, Chủ tịch, Tổng giám đốc KPMC Việt Nam và Campuchia, thị trường chứng khoán Việt Nam khá nhỏ, chưa phát triển. Để phát triển bền vững thì cần phải tiếp tục thu hút FDI vì hiện nay FDI vẫn là yếu tố chính để thúc đẩy nền kinh tế.
Cùng quan điểm này, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay, khu vực kinh tế FDI đang tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng xuất khẩu… nhưng Việt Nam cần khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, vì đây là lực lượng đóng góp rất lớn cho Việt Nam. Trong đó, cần khuyến khích các doanh nhân nữ hoạt động, điều hành công ty.
Mặc dù hiện nay Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa hoạt động trong các KCX, KCN, nhưng mức hỗ trợ đó vẫn chưa thể sánh với DN nước ngoài. Trong khi DN trong nước khi mở tại các KCN có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất 10% thì các DN nhỏ của Đài Loan được ưu đãi từ các ngân hàng của họ với mức vay chỉ hơn 1%.
Theo các chuyên gia, muốn khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì Chính phủ phải có những chính sách cụ thể hơn để giúp cho khu vực kinh tế tư nhân có nguồn vốn, con người để phát triển. Nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ mà DN phải tự thân vận động như hiện nay thì việc phát triển sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Theo DNSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không