Kiến thức Tài chính kế toán Không “ưu tiên” doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp

Không “ưu tiên” doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp

58
Quá trình thẩm tra cho thấy, đa số ý kiến đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Thông tin này được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết khi trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại phiên họp sáng 26/5 của Quốc hội.
Trong tờ trình Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ bổ sung thêm một số khái niệm mới; sửa đổi làm rõ và chính xác hóa một số khái niệm đã có như góp vốn, phần vốn góp, vốn điều lệ, doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, nhằm thể chế hóa quyền tự do kinh doanh theo điều 33 Hiến pháp 2013, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định Chính phủ định kỳ rà soát, công bố công khai danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng đã được quy định.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng đã bổ sung khái niệm doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội) để luật hóa, thừa nhận sự tồn về mặt pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội như một phương thức mới và góp phần cùng với Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.
Đối với hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp, dự thảo cũng bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội. 
Với nhà đầu tư nước ngoài, tách giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và chứng nhận đầu tư; do đó, bãi bỏ điều 20 Luật Doanh nghiệp 2005. 
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật Doanh nghiệp sửa đổi với một số nội dung mới sẽ xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý tập đoàn kinh tế, bổ sung quy định rõ hơn về hình thức công ty mẹ – công ty con; cấm các công ty con trong cùng một nhóm công ty cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa cơ cấu và mối quan hệ giữa các công ty trong tập đoàn kinh tế, như công khai điều lệ hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung tập đoàn.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi một số nội dung liên quan đến việc bãi bỏ quy định hạn chế sáp nhập, hợp nhất, chia, tách công ty đối với công ty cùng loại hình tổ chức. Cho phép các công ty có cùng bản chất sở hữu có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, quy định rõ hơn và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp; thống nhất một đầu mối và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế và công an trong giải quyết thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho hay, có một số ý kiến đề xuất dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần có chương riêng điều chỉnh hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước, vì thực tế có một số không nhỏ doanh nghiệp hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong luật. Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. 
Do vậy, đối với những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước cần được chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi. 
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; bổ sung quy định về tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không