Kiến thức Tuyển dụng Trường hợp nên từ chối lời mời tuyển dụng

Trường hợp nên từ chối lời mời tuyển dụng

9
Thời buổi “ghế ít đít nhiều” như ngày nay thì ưu tiên hàng đầu của người lao động là “Có việc làm nuôi thân trước rồi tính sau!” Thế nên nếu bạn từ chối một lời mời việc làm, nếu lương lậu không quá tệ, thì phần đông sẽ cho rằng bạn “chảnh”, “không biết mình biết ta”, “ngựa non háu đá”…vân vân và vân vân.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chỉ có bạn là hiểu rõ mình muốn gì nhất, ý kiến số đông cũng chỉ đóng góp thêm một góc nhìn để bạn tham khảo, đánh giá vấn đề mà thôi. Trong một số trường hợp, lắc đầu trước lời mời của nhà tuyển dụng lại là một bước đi đúng đắn. Vì sao?
1. Vì chi phí cơ hội:
Khi nói “Đồng ý!” ở công ty này, thì cũng đồng nghĩa bạn đã nói “Không!” với nhiều công ty tiềm năng khác. Đó là chi phí cơ hội, để có được việc làm ở một nơi nào đó, bạn phải bỏ qua cơ hội ở những nơi khác. Vậy liệu có quá vội vàng không khi bạn sẵn sàng chấp nhận lời mời tuyển dụng của công ty nào đó chỉ trên cơ sở lương bổng, phúc lợi ra sao? Vấn đề tiền bạc chỉ là bề nổi trong giai đoạn ban đầu. Chỉ một thời gian ngắn sau khi làm việc, bạn sẽ phát hiện ra mình cần nhiều thứ hơn thế nữa. Môi trường làm việc có thích hợp không? Công việc có hay đổi mới không? Bạn có được tiếp xúc nhiều người không? Để nói một công việc có lý tưởng hay không cần phải xem xét nhiều nhân tố, không chỉ có tiền lương tiền thưởng. Nhiều người tự nhủ: “Cứ làm tạm một thời gian rồi tính tiếp!” Nhưng mọi chuyện đâu đơn giản thế, khi đã bước chân vào công ty, bạn sẽ khó trở ra hơn bạn nghĩ đấy!
2. Vì đường thăng tiến không rộng mở:
Dù công việc được mời chào có hấp dẫn đến đâu, nhưng chắc là bạn phải có mục tiêu gì cao hơn nữa đúng không?
Một số công ty, tập đoàn lớn sẵn sàng trả lương cao cho bạn nhưng vị trí bạn đảm đương không nhiều cơ hội thăng tiến thì còn phải xem xét lại! “Phải kiên nhẫn chứ, vào được công ty rồi sẽ tìm cách leo lên!” Đúng, không sai! Nhưng đó là trường hợp bạn quá thích công ty nọ, hoặc bạn chẳng còn sự lựa chọn nào khác! Tại sao phải giới hạn tầm nhìn của mình trong một công ty khi bao nhiêu cơ hội còn đang chờ bạn ngoài kia? Đồng ý rằng thị trường việc làm đang khó khăn, chúng ta cần có việc để nuôi thân trước đã. Nhưng nếu tình thế của bạn không quá ngặt nghèo thì cân bằng giữa chiến thuật ngắn hạn và chiến lược dài hạn vẫn tốt hơn.
3. Vì công việc không phải đam mê bạn theo đuổi:
Nghe có vẻ xa vời, nhưng xét về dài hạn, theo đuổi lĩnh vực bạn đam mê mới mang lại thành công. Vì nếu không thích những gì mình làm hiện tại, bạn sẽ thực hiện mọi việc một cách miễn cưỡng và dễ dàng bị người khác vượt mặt. Nếu chưa lâm vào cảnh không một xu dính túi, bạn hãy kiên nhẫn hơn một tí để tìm được nghề nghiệp phù hợp sở thích cá nhân của mình. Đừng chạy theo đám đông lao vào các ngành thời thượng, hot, nếu bạn không có mấy hứng thú với nó, vì hôm nay các ngành đó hot nhưng vài năm sau lại rơi vào thoái trào, đó là quy luật, và thật không may khi đó bạn đã lỡ leo lên lưng cọp rồi, bạn có đủ can đảm để vứt bỏ mọi thứ làm lại từ đầu hay không?
Công việc cũng giống như chuyện tình cảm, hiếm ai kết hôn với mối tình đầu của mình và cũng chẳng mấy ai trụ lại lâu dài với công việc đầu tiên. Đó là quá trình tìm hiểu, lựa chọn để hiểu rõ về nghề nghiệp cũng như bản thân bạn, vì vậy đừng mong đợi mọi thứ sẽ trơn tru ngay từ đầu, sẽ có va vấp, sẽ có khó khăn, sẽ có thất vọng, nhưng phần thưởng cho sự kiên nhẫn hoàn toàn có thể bù đắp lại gấp nhiều lần những gì bạn bỏ ra.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không