Tiền bạc là chủ đề nhạy cảm và chuyện người lao động đề nghị sếp tăng lương cũng không dễ dàng. Nhưng khi đã cân nhắc về giá trị bản thân và nói chuyện với sếp, bạn phải luôn nhớ điều tiên quyết rằng bạn không “xin” sự chiếu cố mà là “đề nghị” một cách công bằng.
Đừng để sự e dè của lần thất bại trước khiến bạn dẹp bỏ luôn mong ước đạt được mức lương xứng đáng với năng lực của mình – Ảnh: theglobeandmail
Bạn đem lại dịch vụ giá trị cao cho doanh nghiệp và bạn có quyền yêu cầu được trả công một cách xứng đáng. Tuy nhiên nếu không khéo léo, người lao động sẽ thất bại trong cuộc ngã giá này, bởi có vô số lý do để người sử dụng lao động từ chối, trong khi bạn chỉ có duy nhất một luận cứ rằng mình là nhân viên “năng suất”.
Dưới đây là một số “mẹo” giúp bạn đạt được mức thù lao (mà bạn nghĩ) tương xứng giá trị lao động bản thân:
Không tự hạ thấp thành tựu của mình
Một số người thường tránh nói về thành công của bản, cũng có người không biết cách “khoe” chúng một cách tế nhị. Cuộc đàm phán tăng lương không phải là lúc bạn cần khiêm tốn. Điều quan trọng nhất lúc này là bạn phải thể hiện cho sếp thấy những gì mình đóng góp từ khi bước vào công ty. Người nhân viên chỉ được đánh giá cao khi anh/cô ấy tự định lượng được thành công của bản thân và truyền tải lại một cách khách quan nhất, thay cho sự rụt rè thiếu tự tin.
Ngay cả những thành tựu bên ngoài cũng giúp tăng giá trị cho bạn – chẳng hạn các sự kiện kết nối bạn tham dự, các bài thuyết trình hay vai trò lãnh đạo của bạn trong các tổ chức hay lớp học nghiệp vụ… Bằng cấp bên ngoài đôi khi cũng là cách tốt để “tiếp thị” và tăng giá trị bản thân, vì thế trước khi đàm phán tăng lương, bạn nên “lận lưng” một số bằng cấp bổ trợ cho bước đà thăng tiến của mình.
Không phóng đại thành công
Hãy cẩn trọng khi “tô vẽ” quá mức vai trò của bản thân trong những thành công lớn của cả nhóm. Sẽ là ý tưởng tốt nếu bạn gợi ý cho sếp kiểm chứng bạn từ những đồng nghiệp khác, để chắc chắn rằng những gì bạn nói hoàn toàn khớp với những điều bạn làm. Nếu là một thành viên trong nhóm hoàn thành dự án, bạn hãy tập trung nói về dự án và vai trò đóng góp của bản thân.
Biết “đón đầu”
Nếu bạn muốn một mức lương khá hơn, hãy nói ra. Ngay cả khi sếp lắc đầu, bạn vẫn có thể thu về cho mình những thông tin đắt giá giúp bạn tìm ra cách để đạt được mục đích. Tốt hơn hết là hãy nói chuyện với sếp về những gì bạn có thể làm được trong tương lai để giúp công ty tốt hơn và đạt được mức lương bạn mong muốn – trong tương lai.
Cố gắng thêm lần nữa trong tương lai
Đừng để sự e dè của lần thất bại trước khiến bạn dẹp bỏ luôn mong ước của mình. Hãy chọn một thời điểm thích hợp khác để nói với sếp, nhưng phải chắc rằng bạn phải có thành tựu đáng kể hơn so với lần trước đó. Điều này sẽ giúp bạn khẳng định với sếp rằng bạn hoàn toàn nghiêm túc trong đề nghị tăng lương, và bạn sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc và theo đuổi mục tiêu chính đáng đó.
Tuy nhiên cũng đừng quá dai dẳng khi mỗi tuần bạn đều nói với sếp chuyện lương bổng, thời điểm thích hợp nhất là khoảng 6 tháng -1 năm sau đó – khoảng thời gian đủ để bạn thể hiện và sếp ghi nhận điều đó.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông