Tính đến nay Việt Nam đang tham gia đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do (FTA). Hầu hết các FTA mà Việt Nam tham gia đàm phán tập trung vào các nền kinh tế lớn trên thế giới Mỹ, EU.
Ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều khi Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP. Ảnh: Nguyễn Huệ
Các FTA thế hệ mới này được kì vọng sẽ mang lại cho các DN Việt Nam nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng không ít thách thức mà nếu không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ không tận dụng được cơ hội.
FTA đã kí kết: Hấp thụ kém
Tại hội thảo “Năng lực cạnh tranh của DN và các hiệp định thương mại tự do: Kì vọng và bài học kinh nghiệm” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kì (USAID) tại Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI cho biết, trong thời gian qua 8 FTA đã kí kết đã có tác động thực tế tới Việt Nam. Sản xuất XK có lợi thế hơn từ việc loại bỏ thuế quan. Tăng trưởng XK đối với phần lớn FTA với mức độ tăng trưởng cao hơn so với giai đoạn trước khi có FTA. Điển hình như xuất siêu sang Hàn Quốc đã tăng gấp hai lần từ khi Việt Nam kí kết FTA với Hàn Quốc (AK FTA). Tăng trưởng NK máy móc thiết bị chiếm tỉ lệ đáng kể trong cơ cấu. Điều này cho thấy các DN đã khai thác được ưu thế lớn của FTA là tăng trưởng XK, tăng trưởng NK để phục vụ XK.
Trong những năm qua, các FTA đã kí kết cũng giúp Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lí từ các nhà đầu tư đến từ các nước đã có FTA với Việt Nam. Một điểm đáng ghi nhận là các FTA đã góp phần quan trọng giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam thông thoáng và an toàn hơn. Một loạt văn bản chính sách, pháp luật quan trọng được xây dựng, sửa đổi. Một loạt các chính sách thể chế kinh tế thị trường được đưa ra. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai trên diện rộng. Các DN đã chủ động tham gia vào chính sách thương mại quốc tế.
Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, việc hấp thụ của các FTA đã kí kết cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều DN chưa tận dụng đầy đủ được các lợi ích thuế quan do không biết về các FTA, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, đặc biệt là phần lớn các DN chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua chỉ có ưu đãi của FTA Hàn Quốc là được khai thác tốt còn các FTA khác mới khai thác được rất ít hoặc bỏ trống. Bên cạnh đó dù kim ngạch XK tăng mạnh nhưng giá trị XK lại không cao do chủ yếu là XK thô và gia công. Sự gia nhập với các FTA cũng khiến cho thị trường nội địa bị cạnh tranh khốc liệt, nhập siêu tăng mạnh. Trong đó chủ yếu là nhập siêu từ Trung Quốc. Một hạn chế đáng quan tâm của Việt Nam sau khi tham gia vào các FTA là năng suất lao động gia tăng chậm. Báo cáo thường niên của VCCI trong năm 2013 cho thấy, sau 5 năm gia nhập WTO, năng suất lao động giảm xuống còn 3,4% so với 5% ở thời điểm trước đó. Ngoài ra, đã xuất hiện các nhóm dễ bị tổn thương như nông nghiệp, nông thôn, nông dân, điển hình là nông sản của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trên chính sân nhà. Trong thời gian qua cũng đã xuất hiện rào cản ở thị trường các nước có FTA như các hàng rào kiểm dịch ở biên giới Trung Quốc, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép ở một số nước ASEAN… Trong khi đó Việt Nam còn thiếu cơ chế hỗ trợ sử dụng các công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng NK cạnh tranh không lành mạnh. Việc kiểm soát các FDI chưa tốt đang gây bất bình đẳng giữa các DN.
FTA mới: Cơ hội và thách thức
Theo phân tích của các chuyên gia, so với các FTA cũ, các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn. Trong khi các FTA cũ chủ yếu là thương mại hàng hóa thì các FTA mới bao gồm cả các lĩnh vực phi thương mại như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ. Điển hình như trong Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), lần đầu tiên các vấn đề về DN nhà nước, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường được đàm phán trong một khuôn khổ FTA. Các FTA mới cũng có mức độ cam kết sâu hơn. Trong đó cam kết về hàng hóa xóa bỏ 90-100% thuế NK, cam kết về dịch vụ, nhiều FTA hiện nay áp dụng phương pháp “chọn bỏ” chứ không phải “chọn cho” như trước kia. Yêu cầu thực thi của các FTA đang đàm phán cũng cao hơn. Hầu hết các chương của Hiệp định TPP đều có điều khoản về thực thi và giải quyết tranh chấp. Đồng thời khả năng tác động thể chế cũng rộng lớn hơn.
Với tác động sâu rộng và toàn diện các FTA thế hệ mới hứa hẹn sẽ đem cơ hội lợi ích lớn về XK cho Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thiết bị công nghệ sạch, hiện đại với giá hợp lí, cơ hội phát triển giá trị chuỗi, tăng khả năng liên kết, cơ hội tiếp cận nguồn vốn và đầu tư chất lượng, cơ hội cải cách thể chế theo chiều sâu.
Tuy nhiên các FTA mới với những thách thức về quy tắc và thủ tục chứng nhận về xuất xứ mới cũng sẽ là một thách thức lớn và sẽ có khả năng bị vuột mất cơ hội nếu các DN không biết về cơ hội để tận dụng, không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa sẽ là một áp lực lớn cho các ngành sản xuất của Việt Nam. Các vụ kiện thương mại sẽ tăng lên với tiêu chuẩn cao vượt qua sức chịu đựng của DN, đặc biệt là của các nhóm dễ bị tổn thương như DN nông nghiệp, DN vừa và nhỏ…
Để có thể tận dụng được lợi thế từ các FTA mới, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt về giáo dục, đào tạo và cải cách thể chế. Đồng thời các DN cũng phải làm tốt về nhân lực và quản trị nhân lực thì mới có thể tận dụng được cơ hội
Chia sẻ kinh nghiệm của các DN Mexico khi tham gia vào các FTA, bà Silvia Hernandez, nguyên Bộ trưởng Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh thượng viện Mexico cho biết, Mexico có hiệp định với 40 nước, tuy nhiên FTA với Mỹ là quan trọng nhất vì Mỹ chiếm 80% kim ngạch XK của Mexico. Việc đầu tiên mà Mexico làm sau khi kí kết FTA với Mỹ là bán các DN nhà nước cho DN tư nhân. Khu vực DN nhà nước của Mexico có năng lực cạnh tranh không cao, do vậy nếu không cải cách nhanh thì sẽ không đáp ứng cơ hội do FTA với Mỹ mang lại. Khối lượng DN nhà nước của Mexico đã giảm dần cùng tiến trình hội nhập, đến nay tại Mexico không còn DN nhà nước tuy nhiên vẫn còn sự độc quyền đối với một số lĩnh vực kinh tế.
Theo nhận định của bà Silvia Hernandez, vai trò của các DN tư nhân là hết sức quan trọng trong việc tận dụng cơ hội của các hiệp định. Do vậy, các DN phải phối hợp với nhau trong quá trình đàm phán và tham gia tích cực vào quá trình đàm phán để hỗ trợ các vấn đề về kĩ thuật cho đoàn đàm phán. Tại Mexico, các DN tham gia từ đầu đến cuối việc đàm phán và có những vận động nhất định với chính phủ trong việc kí kết các hiệp định thương mại. Về phía Chính phủ, cần cung cấp thông tin về các FTA một cách đơn giản, dễ hiểu cho DN và người dân từ đó đưa ra những khuyến nghị liên quan đến các vấn đề thiết thân của họ.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Văn phòng Luật sư Quang Trung:
Thay đổi cơ chế hỗ trợ DN
Việt Nam phải thay đổi cơ chế nhanh. Sự can thiệp quá nhiều và quá sâu và không đúng hướng của nhà nước vào thị trường làm hạn chế sự phát triển của DN tư nhân. DN nhà nước có động lực cạnh tranh yếu và làm thất thoát lớn về ngân sách, cổ phần hóa DN nhà nước để đa dạng hóa tạo sức cạnh tranh cho khu vực này và đảm bảo sự bình đẳng giữa các DN. Bên cạnh việc tái cơ cấu DN Nhà nước cần phát triển mạnh DN tư nhân. Nhược điểm của DN tư nhân chưa mạnh dạn, bên cạnh đó nạn tham nhũng hối lộ làm các DN mất động lực cạnh tranh, đây là trở ngại lớn cho phát triển.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế TW:
Tập trung vào các đối tác quan trọng
Với các FTA mới, Việt Nam sẽ có FTA với 55 nước trên thế giới. Mặc dù vậy, về định hướng thị trường các DN nên quan tâm nhiều đến chiến lược của các FTA của Đông Á như ASEAN+6 và các đối tác lớn như TPP, FTA EU. Đông Á đang là khu vực năng động nhất có mạng kết nối 60% buôn bán là buôn bán hàng trung gian. Đồng thời đây cũng là thị trường thuộc tính bổ sung và tính cạnh tranh đứng về tác động đối với DN Việt Nam trước mắt ASEAN+6 có những mặt mạnh hơn TPP vì mảng sản xuất và kết nối thương mại của Việt Nam với ASEN +6 lớn hơn và chặt chẽ hơn với TPP. Trong khi đó TPP, và FTA EU lại tạo điều kiện về dịch chuyển công nghệ. Ngoài ra các nhà kinh tế khẳng định WTO là một thế chế rất cần thiết đặc biệt thể là chế tranh chấp và xử lí tranh chấp.
Ông Nguyễn Hải Hiệp- Hội Mía đường Việt Nam:
Bảo vệ sản xuất trong nước
Nhà nước cần lưu ý về sự mất cân đối giữa xuất siêu và nhập siêu đặc biệt là vấn đề hàng lậu. Hiện nay riêng đối với ngành đường, hàng nhập lậu đã chiếm tới 30% tổng sản lượng đó là lí do DN trong nước không thể cạnh tranh. Việc thực thi chinh sách cũng cần cân nhắc để có thể hỗ trợ sự phát triển của các DN. Nên có chính sách để bảo hộ nền sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo hộ cho ngành nông nghiệp nhiều quốc gia tiên tiến trong ngành nông nghiệp như Mỹ vẫn còn áp dụng chính sách bảo hộ cho sản xuất trong nước.
|
Theo Báo Hải Quan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông