Ráo riết đốc thúc, họp bàn thường xuyên nhưng đã 3 năm trôi qua kể từ khi Bộ NN&PTNT ký ban hành Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29-3-2011 (gọi tắt là Thông tư 14) quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, tình hình vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Bằng chứng là cho tới nay, hàng loạt cơ sở bị xếp hạng C (không đạt) sau thời gian dài, khi kiểm tra lại vẫn không thay đổi được vị trí.
Hầu hết cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc động đã bị xếp hạng C, trong quá trình tái kiểm vẫn nguyên như cũ. Ảnh: ST
C vẫn hoàn C
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) tại Hội nghị giao ban công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, trong quý I-2014, đã có 21 tỉnh, thành gửi báo cáo kết quả triển khai Thông tư 14. Điểm đáng chú ý là các cơ sở bị xếp hạng C chuyển biến chậm.
Trong tháng 3-2014, Nafiqad đã tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm với 5 cơ sở sản xuất thủy sản XK theo đúng tinh thần Thông tư 48/2013/TT/BNNPTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thủy sản XK. Kết quả có 4 cơ sở đạt yêu cầu. Cụ thể, 1 cơ sở xếp hạng 1 (rất tốt), 1 cơ sở xếp hạng 2 (tốt) và 2 cơ sở xếp hạng 3 (đạt). Kiểm tra định kỳ 104 cở sản xuất thủy sản XK đã có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả 28 cơ sở xếp hạng 1, 50 cơ sở xếp hạng 2, 23 cơ sở xếp hạng 3 và cá biệt có 3 cơ sở xếp hạng 4 (không đạt). Trên cơ sở kết quả kiểm tra này, Nafiqad đã tiến hành xử lí theo quy định, đưa ra khỏi danh sách ưu tiên, kiểm tra tăng cường đối với các cơ sở xếp hạng 4 hoặc từ hạng 2 tụt xuống hạng 3.
Ông Nguyễn Như Tiệp –
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad)
|
Cụ thể, các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản tỉ lệ xếp hạng A (tốt), B (đạt) là 65%, giảm 15% so với năm 2013.
Khi tổ chức tái kiểm tra với các cơ sở đã bị xếp hạng C thì số lượng vẫn còn tới 94,6%. Với cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật, tỉ lệ cơ sở xếp hạng A, B cũng đều giảm so với năm 2013, trong khi số cơ sở hạng C trong quá trình tái kiểm hầu hết vẫn nguyên như cũ. Đáng chú ý nhất, đối với các cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, mặt hàng tiềm tàng nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì 100% cơ sở đã bị xếp loại C khi kiểm tra lại vẫn hoàn C. Tại khu vực giết mổ gia súc gia cầm và sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, khi tiến hành kiểm tra cũng có tới trên 80% cơ sở xếp hạng C và lượng các cơ sở xếp hạng A, B ngày càng giảm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Việc cho ra đời các tiêu chuẩn, quy chuẩn cuối cùng chỉ là hướng đến mục tiêu làm sao để rau ít thuốc bảo vệ thực vật hơn, thịt không còn chất cấm, không còn vi sinh vật, các loại thực phẩm giảm bớt chất phụ gia, bảo quản… Trong năm 2014, làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp được Bộ coi là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Trên thực tế, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu từ các cơ sở xếp hạng C mà ra. Do đó, cần nhanh chóng tìm hiểu rõ nguyên do tại sao các cơ sở bị xếp hạng C, sau bao nhiêu năm kiểm tra lại vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vấn đề là do thông tư chưa rõ hay chưa có chế tài phù hợp, hoặc do tham ô, hối lộ, năng lực cán bộ yếu kém…(?)
Kỷ luật nếu làm không nổi
Trước sự chuyển biến chậm chạp tại các cơ sở bị xếp hạng C, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, đã có công cụ, phương tiện thì cần xử lý dứt điểm, không thể để tràn lan các cơ sở hạng C như hiện tại. Nếu đơn vị nào không hoàn thành đúng kế hoạch đã hứa với Bộ, chắc chắn sẽ phải nhận hình thức kỷ luật.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Nafiqad cho biết: Theo quy định trong Thông tư 14, đối với các cơ sở hạng C, nếu trong thời gian nhất định không cải tiến, thay đổi để lên hạng B, hạng A, hình thức xử phạt nặng có thể tước giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất là việc cấp và thu hồi giấy phép thuộc quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các địa phương. Một số nơi, trách nhiệm này lại do Phòng Kinh tế các huyện phụ trách. Các đơn vị ở địa phương thường rất ngại khi xử lý vi phạm vì sợ làm sai sẽ bị các DN kiện lại. Một phần nguyên nhân của vướng mắc này phải thừa nhận là trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ thanh tra ngành nông nghiệp ở cơ sở còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Vừa qua Bộ NN&PTNT đã tiến hành đào tạo và cấp một loạt thẻ thanh tra viên cho cán bộ cơ sở nên trong thời gian tới, điểm yếu nêu trên chắc chắn sẽ được khắc phục, khâu kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm cũng được thực hiện chắc chắn hơn.
Liên quan tới vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối Nguyễn Trọng Thừa khẳng định: Cơ quan chức năng hoàn toàn có khả năng xử lí các cơ sở hạng C, vấn đề ở đây là có kiên quyết, dám làm hay không. Trên thực tế, nếu thẳng tay đóng cửa hàng loạt cơ sở xếp hạng C thì số lượng rất nhiều nên phải cân đối kỹ lưỡng. Bên cạnh việc rút giấy phép kinh doanh của cơ sở vi phạm, một hình thức xử lý hữu hiệu là công bố công khai, rộng rãi thông tin về cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn.
Để giải quyết bài toán khó lâu nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát giao Nafiqad làm đầu mối, thành lập đoàn công tác gọn nhẹ đi các địa phương tìm hiểu lí do tại sao không xử lí được các cơ sở hạng C. Từ đó, tìm cách tháo gỡ để hỗ trợ hoặc buộc các cơ sở đó phải cải tiến để đạt hạng B, hạng A theo lộ trình nhất định.
Theo Báo Hải Quan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông