Kiến thức Marketing Bánh kẹo đã tới thời mua ký bán cân!

Bánh kẹo đã tới thời mua ký bán cân!

140
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamKhông dư giả để mua sắm bánh kẹo ngoại đắt giá có xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Bỉ… nên những khách hàng tìm đến khu phố hàng Buồm hay chợ Đồng Xuân đa phần đều mua bánh kẹo bán theo kg.
Bánh kẹo ký lên ngôi
“Tuy không lịch sự bằng, nhưng thực ra các loại bánh kẹo bán theo cân vừa rẻ lại vừa ngon. Chẳng hạn như loại kẹo dẻo do Việt Nam sản xuất có giá chưa đến 80.000 đồng/kg nhưng được nhiều người lựa chọn. Kẹo socola cũng chỉ 100.000 đồng/kg cũng rất ngon. Không như những năm trước, khách hàng chỉ ăn socola Bỉ và kẹo của Thái”, chị Phạm Thị Hương (kinh doanh bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân) cho biết.
Cũng bởi vậy, chị Hương và một số chị em khác trong chợ chỉ nhập loại bánh kẹo này về để bán mà không dám mạo hiểm buôn theo bánh kẹo ngoại.
“Ngay cả giỏ quà chúng tôi cũng đi mua túi bên ngoài rồi đóng theo từng gói 300g, 500g, 700g để khách hàng lựa chọn cho dễ. Thời buổi khó khăn nên ai cũng yêu cầu phải ngon và rẻ, mà chỉ có loại bánh kẹo cân may ra còn đảm bảo được điều này”, chị Huyền Anh (kinh doanh bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân) nói.
Theo chị Anh, khoảng 4 – 5 năm trước đây, bánh kẹo cân cũng từng được nhiều người ưa thích. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, người dân lại “sính ngoại”, chỉ thích bánh kẹo Nhật, Mỹ, Pháp… Đa số bánh kẹo cân nhập về chỉ để bán buôn về các tỉnh còn khó khăn. 
“Nhưng thời gian gần đây, một số đại lý ở Hà Nội lại gọi điện nhập nhiều loại này, bảo là bán tốt hơn các loại bánh kẹo đóng gói sẵn. Chắc là thời buổi khó khăn, người ta lại quay lại chuộng loại này”, chị Anh cho biết.
Cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bánh kẹo dù đã bước vào vụ cuối năm nhưng vẫn vắng bóng người. Đáng nói, dù giá nhập vào tăng khoảng 2 – 5% so với trước, nhưng các tiểu thương cho biết sẽ giữ nguyên giá, hoặc tăng rất nhẹ bởi không muốn ế ẩm hơn.

Không có người mua
Dạo một vòng quanh khu phố bánh kẹo Hàng Buồm và khu chợ Đồng Xuân – Hà Nội là một không khí vắng vẻ bao trùm. Các mặt hàng bánh kẹo vô cùng đa dạng và bắt mắt được bày tràn cả ra vỉa hè nhưng không có người mua, thậm chí không ai ngoái đầu nhìn lại.
Chị Nguyễn Thị Nhàn (41 tuổi, kinh doanh bánh kẹo tại 123 Hàng Buồm – Hà Nội) cho biết, những năm trước thì còn túc tắc bán được hàng, nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ cách Tết Dương lịch 1 tháng và Tết Âm lịch khoảng 2 tháng mà mọi thứ vẫn “dậm chân tại chỗ”.
“Còn thiếu nước ruồi bâu nữa là đủ” – Chị Nhàn ví von sự ế ẩm tại cửa hàng mình.
Theo chị Nhàn, những người buôn bán bánh kẹo tại khu phố này phải đăng ký nhập hàng trước cả nửa năm để công ty kịp sản xuất và phân phối. Nhưng bánh kẹo nhập về gần 1 tháng nay rồi mà không tiêu thụ nổi 1/4.
“Vào dịp Lễ, Tết bao giờ bánh kẹo cũng tăng. Năm ngoái tăng từ 5 – 10%, nhưng năm nay chỉ tăng 2 – 5 % thôi, thế mà chúng tôi cũng chẳng dám tăng giá bán ra. Đa phần hàng bán được thì đều là bán buôn, mà bán buôn kiểu nhỏ lẻ, chứ chẳng phải bán được vài chục thùng một lúc như những năm trước. Lỡi lãi không đủ trả tiền mặt bằng. Cứ thế này thì chưa đến Tết đã sập tiệm” – Chị Nhàn than thở.
Chung cảnh ngộ với chị Nhàn, chị Nguyễn Thanh Ngân (30 tuổi, kinh doanh bánh kẹo tại 24 Hàng Buồm) cũng chán nản vì tình hình kinh doanh ảm đạm.
“Tôi cứ nghĩ các loại bánh kẹo nhập khẩu, loại cao cấp vẫn bán được nhiều như năm ngoái nên nhập về khá nhiều. Ai dè đến giờ vẫn chưa bán được chút nào. Toàn loại 700.00 đến hơn 1 triệu/1 hộp nên đọng không biết bao nhiêu là vốn”, chị Ngân buồn rầu cho biết.
Theo chị Ngân, vào thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì phần lớn các công ty đã đặt giỏ quà Tết cho nhân viên và đối tác, khiến chị phải thuê người theo ca để đóng quà mà không kịp. Nhưng năm nay, Tết Dương lịch đã cận kề mà chẳng thấy khách nào đặt giỏ quà.

Theo Một thế giới

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không