Kiến thức Marketing Truyền hình thực tế: Thu về triệu đô quảng cáo mỗi đêm

Truyền hình thực tế: Thu về triệu đô quảng cáo mỗi đêm

1
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThời lượng dành cho quảng cáo trong các chương trình truyền hình thực tế ngày càng nhiều. Các nhà sản xuất đua nhau làm truyền hình thực tế để phục vụ khán giả hay chỉ để thu hút quảng cáo?

Logo quảng cáo xuất hiện tràn ngập tại khu vực bàn giám khảo của chương trình Vietnam Idol. Logo quảng cáo xuất hiện tràn ngập tại khu vực bàn giám khảo của chương trình Vietnam Idol.

Nội dung nổi bật:
– Đã qua thời phim giờ vàng là nơi hút quảng cáo của các nhà đài. Thời nay là thời của truyền hình thực tế, để các đơn vị truyền thông đua nhau khai thác quảng cáo. 
– Chi phí khủng: Một clip quảng cáo có thời lượng 10 – 30 giây lên sóng chương trình một số chương trình ‘hot’, mức chi phí khoảng từ 50 – 150 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu quảng cáo của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông (trừ internet) đạt 8.800 tỷ đồng.
– Đủ hình thức: Ngoài quảng cáo bằng TVC, các hãng còn ‘đánh’ từ logo quảng bá thương hiệu ngự trị trên màn hình, chạy ở chân màn hình, cho đến logo xuất hiện khắp nơi trên bàn giám khảo, trên sân khấu chương trình… khiến khán giả bội thực.
– Kết cục: Ồ ạt sản xuất chương trình và phủ sóng, nhưng chất lượng của các chương trình không được chú trọng, càng ngày càng nhiều scandal. Chỉ được 1 – 2 mùa giải đầu, là chương trình rơi vào lối mòn nhàm chán, nhạt nhẽo và có vô số sạn. 
Và phải chăng vì vậy mà các phiên bản truyền hình thực tế nước ngoài, từ nhỏ lẻ cho đến đình đám đều xuất hiện tại Việt Nam, không thiếu một phiên bản nào. Trong khi các “ngư ông đắc lợi”, thì chỉ khán giả là “chịu trận”, bực bội với những clip quảng cáo xuất hiện liên tục trong chương trình.
Quảng cáo núp bóng các chương trình truyền hình thực tế Cuộc đua không có hồi kết vì miếng bánh lợi nhuận khổng lồ.

Chi mạnh
Đã qua thời phim giờ vàng là nơi hút quảng cáo của các nhà đài. Thời nay là thời của truyền hình thực tế, để các đơn vị truyền thông đua nhau khai thác quảng cáo. 
Chỉ với thời lượng khoảng 2 tiếng phát sóng, trung bình mỗi tập truyền hình thực tế sẽ bị chặt nhỏ thành nhiều khúc, dành khoảng thời gian cho quảng cáo. 
Kênh nào cũng vậy, chương trình truyền hình thực tế nào cũng thế. Hàng loạt các sản phẩm: Nước uống, dầu gội, mì gói, điện thoại,… gắn nhãn mác “nhà tài trợ” được phát đi phát lại. Các sản phẩm khác như mỹ phẩm, đồ ăn, đồ gia dụng cũng ồ ạt xuất hiện.
Theo một nhân viên (giấu tên) làm việc tại Trung tâm dịch vụ quảng cáo của một đơn vị truyền hình có tiếng ở Việt Nam, thì để một clip quảng cáo có thời lượng 10 – 30 giây lên sóng chương trình Cặp đôi hoàn hảo, nhãn hàng phải bỏ ra số tiền khoảng 50 – 100 triệu đồng. Với chương trình Giọng hát Việt, Bước nhảy hoàn vũ thì mức chi phí cao hơn nhiều (khoảng từ 60 – 150 triệu đồng).
Kinh tế khó khăn, nhưng các công ty vẫn sẵn sàng chi mạnh tay cho hình thức PR, quảng cáo trên truyền hình. Các công ty lại luôn muốn xuất hiện trên những chương trình “hot” nhất, đạt rating (tỷ suất người xem – PV) cao ngất ngưởng. Dù cái giá phải chi trả không hề rẻ. 
Chính vì vậy, theo các chuyên gia quảng cáo tại TP.HCM, hàng năm thị trường quảng cáo ngốn của các doanh nghiệp khoảng gần 400 triệu USD (tính nửa đầu năm 2012). 
Theo một kết quả nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường TNS tại Việt Nam, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu quảng cáo của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông (trừ internet) đạt 8.800 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2013, doanh thu quảng cáo còn tăng lên nhiều lần.

Khán giả chịu trận
Với những con số khổng lồ như thế này, rất dễ hiểu vì sao khán giả luôn bị “bội thực” với quảng cáo khi xem truyền hình. 
Và nhìn vào bảng giá quảng cáo của các đơn vị truyền thông, dễ hiểu vì sao các chương trình truyền hình thực tế ngày càng lấp đầy mọi khung giờ vàng của truyền hình. Các phiên bản truyền hình thực tế nước ngoài tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam, mặc cho chi phí chuyển nhượng bản quyền không hề rẻ.
Không chỉ quảng cáo công khai trên truyền hình, khán giả còn phải chịu đựng vô số những hình thức quảng cáo trá hình. 
Từ logo quảng bá thương hiệu ngự trị trên màn hình, chạy ở chân màn hình, cho đến logo xuất hiện khắp nơi trên bàn giám khảo, trên sân khấu chương trình. 
Đỉnh điểm chắc khán giả chưa quên “chiêu” quảng cáo lộ liễu cho một hãng mì gói, của các thí sinh chương trình Cặp đôi hoàn hảo khi lên sóng thời gian trước. 
Sự phủ khắp của quảng cáo không chỉ mang tới cho khán giả sự bực bội, chịu đựng, mà còn là cảm giác không được nhà đài tôn trọng.
Ồ ạt sản xuất chương trình và phủ sóng, nhưng chất lượng của các chương trình không được chú trọng. Chỉ được 1 – 2 mùa giải đầu, là chương trình rơi vào lối mòn nhàm chán, nhạt nhẽo và có vô số sạn. 
Do tính chất của các chương trình truyền hình thực tế, mối quan hệ ứng xử giữa giám khảo với thí sinh, giữa thí sinh với thí sinh, giữa MC với giám khảo, với thí sinh bộc lộ trước ống kính luôn khiến khán giả cảm động, bực tức hay thất vọng.
Trong khi nội dung kịch bản không được chú trọng đúng mức, thì các đơn vị sản xuất chỉ chăm chăm tìm cách gây sốc, tạo scandal để thu hút khán giả, để truyền thông chú ý và khỏa lấp đi sự nhạt nhẽo. Mục đích cuối cùng vẫn là để các nhà tài trợ không quay lưng, có thể mời gọi quảng cáo đạt hiệu quả cao nhất.
Phim truyền hình èo uột về quảng cáo so với truyền hình thực tế
Một đạo diễn truyền hình (xin được phép giấu tên) cho biết: 
“Hiện nay, so về lượng quảng cáo các chương trình truyền hình thực tế ăn đứt phim truyền hình. Vì một phần, phim truyền hình chưa đủ hấp dẫn, và cũng kém chiêu trò so với các chương trình truyền hình thực tế. 
Thêm vào đó, do các chương trình truyền hình thực tế có nhiều tài trợ và thời gian thực hiện ngắn nên chi phí lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với phim truyền hình”.

Theo Đời sống pháp luật

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không