Nội dung nổi bật:
– Khi hiệp định TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu cho các sản phẩm đồ uống giảm xuống còn 0%. Đây sẽ là mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp bia, rượu nước giải khát trong nước.
– Các hãng bia nội mới chỉ tập trung vào phân khúc bình dân mà “bỏ ngỏ” phân khúc bia cao cấp, để rơi vào tay các công ty ngoại.
Được đánh giá là một thị trường đồ uống đầy tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển, nhưng các doanh nghiệp trong nước chưa kịp mừng thì đã lại lo. Bởi đến lúc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù lợi ích thì nhiều trong việc xuất khẩu quần áo, giày dép…nhưng thuế nhập khẩu cho các sản phẩm đồ uống lại bằng 0%, do các biện pháp bảo hộ bị xóa bỏ.
Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh bia, nước giải khát gặp khó khăn trong việc giành thị phần với các công ty nước ngoài khi thị trường “mở toang” cửa như vậy.
Kinh tế khó khăn, bia rượu tăng trưởng đột phá
Với mức tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200% trong 10 năm qua và hiện đã vượt mức 3 tỉ lít/năm, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ đồ uống đầy tiềm năng và hấp dẫn.
Với thị trường bia, hiện có 2 doanh nghiệp trong nước là Tổng công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia Hà Nội (Habeco) nắm giữ khoảng 2/3 thị phần trong nước. Tuy nhiên, hiện thị trường trong nước đang có khoảng 30 thương hiệu bia quốc tế.
Trong thời gian qua, bia Sapporo đến từ Nhật đang ngày càng xuất hiện rầm rộ và và hãng Carlsberg cũng đang “bành trướng” mở rộng thị phần khiến các doanh nghiệp bia nội phải nỗ lực và luôn trong tình trạng cạnh tranh gay gắt.
Bên cạnh đó, các hãng bia nội mới chỉ tập trung vào phân khúc bình dân mà “bỏ ngỏ” phân khúc bia cao cấp, để rơi vào tay các công ty ngoại. Do đó, nếu đời sống được nâng cao, các công ty ngoại đón đầu được tâm lý người tiêu dùng, nhiều người sẽ chuyển sang dùng bia cao cấp thì bia nội sẽ mất dần thị phần.
Nhất là khi hàng rào thuế bị xóa bỏ thì những hãng bia ngoại như Budweiser hay Sapporo có thể sẽ hạ giá sản phẩm, lấn sang phân khúc bình dân thì người tiêu dùng sẽ chẳng “ngại ngần”, chuyển sang uống bia ngoại. Lúc đó, các thương hiệu Việt rất dễ “điêu đứng” trước sự tấn công ồ ạt của các hãng ngoại nếu không chuẩn bị sẵn kế hoạch phù hợp với thời cuộc.
Nhiều công ty ngoại cũng đang tranh thủ mua các công ty nội đã có thương hiệu hay xây dựng hệ thống phân phối để thâm nhập thị trường nước giải khát nhanh hơn.
Các công ty bia, nước giải khát trong nước có mặt lợi thế là lâu đời và tạo được dấu ấn đối với người dân. Tuy nhiên, khi đời sống được cải thiện, nâng cao thì nhu cầu tiêu dùng ở phân khúc cao cấp cũng sẽ ngày càng lớn. Tiếp đó, với việc giảm thuế nhập khẩu từ 45% đối với bia, 30% đối với nước giải khát có gas xuống 0% khi Việt Nam tham gia TPP sẽ càng là “mối đe dọa”, thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Chính vì vậy, đại diện cho Bộ Công Thương, ông Lương Hoàng Thái khuyến cáo doanh nghiệp nội sớm chuẩn bị tinh thần, cải tiến sản phẩm, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh.
Điều này có thể mở ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đồ uống và người thua cuộc luôn là các công ty yếu thế với tiềm lực kém. Bài học về thị trường bột giặt hay kem đánh răng Việt bị mất tên tuổi vào tay các tập đoàn uy tín còn chưa nguội, nhưng dù gì với một thị trường cạnh tranh bởi nhiều nhãn hiệu uy tín, người tiêu dùng vẫn được hưởng lợi về giá cả.
Các doanh nghiệp Việt không thể trông chờ mãi vào sự “bảo hộ” của nhà nước mà phải tự mình đứng lên, bởi thực chất, đôi khi “sự bảo hộ” này còn khiến doanh nghiệp khó phát triển giống như việc khống chế trần chi phí quảng cáo khuyến mãi mà nhiều doanh nghiệp đã kêu mãi trong thời gian qua, nhưng vì nghĩ mình đang “bảo hộ” nghĩa là làm “việc tốt” nên chẳng mấy vị lãnh đạo muốn suy nghĩ lại.
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, tên tiếng Anh: “Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement”, viết tắt: TPP, là một hiệp định thương mại tự do nhiều bên với mục tiêu thiết lập một mặt bằng tự do chung cho các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đến thời điểm này, TPP gồm 12 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Newzealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Theo Sống Mới
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông