Kiến thức Marketing Nói về kế hoạch 5 năm và sự nhọc nhằn của GDP

Nói về kế hoạch 5 năm và sự nhọc nhằn của GDP

10
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNgay cả con số ước tăng GDP 5,4% của năm nay cũng đã nằm trong sự hoài nghi lớn của một số chuyên gia kinh tế… Kế hoạch 5 năm và sự nhọc nhằn của GDP

Nội dung nổi bật: 
– Đầu năm 2011, Đại hội lần thứ 11 đã thông qua mức tăng GDP bình quân 5 năm từ 7 – 7,5% trong giai đoạn 2011 – 2015. Cuối năm 2011, mức tăng GDP vào khoảng 6,5-7%. Tuy nhiên trong 3 năm 2011-2013 con số 6,5% cho GDP chưa một lần xuất hiện.
– Con số dự kiến cho 2014 là 5,8%, tuy nhiên các cơ sở cho tăng trưởng đều yếu: tăng trưởng tín dụng, ngân sách, bình quân doanh nghiệp đóng cửa theo tháng.
Cùng với 4 chỉ tiêu kinh tế khác, nhiều khả năng GDP cũng sẽ khó có thể về đích, theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015.
Bốn chỉ tiêu còn lại gồm tỷ trọng đầu tư trên GDP, tỷ lệ bội chi ngân sách so GDP, tăng năng suất lao động so với năm 2010 và tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP.
Trong 5 chỉ tiêu này thì sự nhọc nhằn của GDP đã bộc lộ ngay từ khi còn chưa được đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội.
Đầu năm 2011, Đại hội Đảng lần thứ 11 đã thông qua mức tăng GDP bình quân 5 năm từ 7 – 7,5% trong giai đoạn 2011 – 2015.
Nhưng chỉ nửa năm sau, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, 6% bình quân là con số hợp lý cho cả giai đoạn 5 năm, thậm chí có ý kiến dự báo chỉ có thể đạt 5%, nếu nguồn lực không được phân bổ tốt hơn.
Đầu tháng 10 năm đó, báo cáo của Chính phủ được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra kịch bản một dành cho tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm 7% và kịch bản hai dự kiến chỉ đạt 6,5%, đều thấp hơn con số đã được Đại hội thông qua.
Điều này đã khiến một vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đặt câu hỏi rằng, ai đã trình ra Đại hội Đảng 11 GDP cao nhất là 7,5%?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi ấy đã phải giải thích: Thủ tướng Chính phủ lúc đầu cũng quyết là bám theo chỉ tiêu của Đại hội. Nhưng sau khi nghe ý kiến nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế và phân tích thực tế thì đã nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.
Sau đó, tại kỳ họp cuối năm 2011, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 với GDP tăng khoảng 6,5 – 7%. 
Để rồi liền ba năm 2011 – 2013, con số 6,5% cho GDP chưa một lần xuất hiện. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010 thì bình quân 3 năm 2011 – 2013 là 5,63%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán.
Và, với con số dự kiến cho 2014 là 5,8% trong tình hình kinh tế đang được đánh giá là trì trệ như hiện nay thì gần như chắc chắn chỉ tiêu tăng GDP của 5 năm sẽ không thể về đích.
Nhưng “đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn thì mức tăng trưởng nêu trên là có thể chấp nhận được”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.
Báo cáo của Bộ này cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 – 2015 tăng 5,8% (theo giá so sánh năm 2010), tức bằng mức tăng được đề xuất cho năm 2014.
Tuy nhiên, ngay cả con số tăng GDP 5,4% của năm nay cũng đã nằm trong sự hoài nghi lớn của một số chuyên gia kinh tế.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tại Diễn đàn kinh tế mùa thu vừa kết thúc cuối tuần qua phát biểu “tôi vẫn nói với Thủ tướng là không hiểu tại sao năm nay tăng trưởng có thể cao hơn năm ngoái khi các cơ sở cho tăng trưởng đều yếu hơn rất nhiều”.
Ông Thiên lý giải cho sự khó hiểu của chính mình là, tăng trưởng tín dụng 8 tháng mới có 6,45% trong khi độ trễ tín dụng tác động đến tăng trưởng tính từ giữa năm ngoái đến giữa đầu năm nay mà vấn yếu như vậy thì làm sao tăng trưởng bình thường được.
Cơ sở thứ hai được ông Thiên nhấn mạnh cũng cực kỳ yếu chính là ngân sách. Nguồn lực tài chính yếu hơn, khu vực nông nghiệp và phát triển nông thôn yếu hơn năm ngoái, như vậy ba động lực tăng trưởng hầu như bị tê liệt, Viện trưởng Thiên tiếp mạch phân tích.
Bình quân doanh nghiệp đóng cửa theo tháng không thua gì hai năm trước mà toàn cỡ “tướng tá” chứ không phải binh nhất binh nhì như trước nữa. Như vậy, cơ sở quyết định tăng trưởng là rất yếu, đấy là chưa kể Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng luôn luôn nhấn mạnh là cầu cho đảm bảo tăng trưởng cực kỳ yếu, Viện trưởng Thiên nói tiếp.
Bởi vậy, ông Thiên rất băn khoăn “cầu yếu thế thì không hiểu liệu có có xảo thuật thống kê nào luận giải được để tạo lòng tin cho sự tăng trưởng cao hơn của năm nay”.
Ông đề nghị “Quốc hội phải làm cho nó rõ chứ chúng ta không thể có cái kiểu cứ đến kỳ họp Quốc hội lại làm cho thành tích tươi tươi lên là không được”.
Từ sự khó hiểu như đã phân tích, Viện trưởng Thiên thêm một lần than thở ở Việt Nam làm chính sách đúng là khó nhất, bởi không có cơ sở số liệu thuyết phục được.
Theo số liệu của 63 tỉnh thành được công nhận là chính thức thì GDP gấp đôi GDP quốc gia, mà số quốc gia cũng là chính thức, rồi ta coi đó là bình thường, ta điềm nhiên công nhận thì làm sao có chính sách đúng được, ông Thiên sốt ruột.
Rồi, hướng về một vị chuyên gia khá nổi tiếng của ngành thống kê, Viện trưởng Thiên làm cả hội trường ổ lên tiếng cười với bình luận: anh Bùi Trinh có thể cũng không còn số liệu chính xác mà cứ dựa trên số liệu truyền thống rồi sửa một cách rất nghiêm túc.
Xem ra, đường đi của GDP vẫn tiếp tục nhọc nhằn, ngay cả khi đã nằm trong các báo cáo chính thức.

Theo VnEconomy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không