Nếu không chăm chỉ, siêng năng, không chấp nhận “một người làm việc bằng hai” trong tình hình hiện nay thì nguy cơ bị đào thải treo lơ lửng trên đầu
“Tôi có bằng thạc sĩ, có kinh nghiệm làm việc và năm nay mới 28 tuổi. Thế nhưng, 6 tháng qua vẫn không có công ty nào chịu nhận dù tôi không đòi hỏi mức lương cao, cũng không yêu cầu điều kiện tốt”. Lan Hương, tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ về, than thở như vậy khi đến nộp hồ sơ tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM.
Nhiều bằng cấp cũng thất nghiệp
Lan Hương cho biết lý do các nhà tuyển dụng phỏng vấn rồi từ chối là vì họ chê chị cái gì cũng biết nhưng biết lớt phớt, không chuyên sâu. “Tôi cũng thừa nhận là bằng cấp của mình hơi dàn trải nhưng đó là kiến thức cơ bản mà tôi muốn trang bị để sau này không phải vừa làm vừa học. Tôi rất ý thức việc mình học để có kiến thức sau này làm việc chứ không phải lấy nhiều bằng cấp để phô trương”- Lan Hương chia sẻ.
Cũng vậy, Đào Văn Sơn từ Anh Quốc về phải chạy đôn chạy đáo tìm việc hơn năm nay. Kiến thức về báo chí hiện đại được trang bị ở nước ngoài những tưởng sẽ giúp Sơn có được một vị trí “ngon lành” ở các cơ quan truyền thông, thế nhưng khi nhìn bằng cấp của anh, người ta lại lắc đầu. Trưởng phòng tổ chức một tờ báo lớn tại TP HCM nói thẳng: “Hiện nay, nhiều đơn vị đang cắt giảm nhân sự, thậm chí người có kinh nghiệm cũng thất nghiệp huống hồ gì người chỉ có lý thuyết”.
Sơn cho biết có một trường đại học mời anh giảng dạy về báo chí hiện đại nhưng rồi họ cũng chỉ hợp đồng ngắn hạn chứ không chính thức tuyển dụng. “Thật sự bây giờ tôi cũng không biết phải làm gì để có kinh nghiệm thực tế bởi có nơi nào nhận mình, cho mình cơ hội để thực hành đâu? Cô bạn tôi học ở Ấn Độ về cũng thất nghiệp phải nhận “trợ cấp” từ ông bà già đã nghỉ hưu, thật khổ!” – Sơn than thở.
Đừng kêu ca, hãy chung lưng
Có được một công việc đã khó, để “trụ” lại và gắn bó lâu dài càng khó hơn. Nếu bạn không chăm chỉ, siêng năng, không chấp nhận “một người làm việc bằng hai” trong tình hình hiện nay thì nguy cơ bị đào thải treo lơ lửng trên đầu.
Chị Hoàng Thị Minh Thúy, Trưởng Phòng Nhân sự công ty H.K (quận 6, TP HCM), kể do tình hình khó khăn, công ty sáp nhập một số bộ phận, nhiều nhân viên dôi dư phải nghỉ việc; những người còn lại phải đảm trách công việc gấp đôi nhưng tiền lương vẫn vậy.
Nếu có ai kêu ca thì giám đốc trả lời: “Khả năng của công ty chỉ đến đó, nếu các anh chị không chịu đựng nổi thì chúng ta đành chia tay vậy”. Nghe thế, ai cũng sợ vì trong tình cảnh hiện nay, có được việc làm với thu nhập ổn định là mừng rồi, chưa nói cao hay thấp.
Chị Minh Thúy kể: “Có nhiều người được giữ lại nhưng sau đó làm việc với tâm trạng không vui, làm việc không hết mình, lúc nào cũng phàn nàn; thế là bị trả về phòng nhân sự, chúng tôi đành phải tìm cách cho nghỉ việc. Giám đốc của chúng tôi hay nói “tốt nhất là các bạn hãy chung lưng đấu cật với công ty trong lúc khó khăn chứ đừng kêu ca”.
Không nên tách mình khỏi tập thể
Trong điều kiện hiện nay, làm việc đội nhóm luôn được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chú trọng. Một nhân viên thiếu tinh thần tập thể rất dễ bị “dòm ngó”, thậm chí bị đưa vào danh sách “ưu tiên loại trừ” khi có cơ hội.
“Trong xã hội hiện đại khi mà phân công lao động ngày càng chuyên sâu thì một môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau rất quan trọng. Chỉ cần 1 chiếc ốc vít trong guồng máy bị hư hỏng, lỏng lẻo thì cả dây chuyền sẽ bị ảnh hưởng” – ông Lê Nam Tấn, Giám đốc Công ty Đông Anh (quận 3, TP HCM), nhìn nhận.
Điều này cũng phù hợp với kết quả khảo sát đầu năm 2013 của Trung tâm Trí Tuệ Việt: 98% trong số 456 nhà quản lý doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết tinh thần đồng đội, biết làm việc đội nhóm là tiêu chuẩn không thể thiếu khi tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Những biểu hiện của việc thiếu tinh thần làm việc đội nhóm là bảo thủ, nguyên tắc cứng nhắc, tự cao tự đại. “Cá tính này sẽ là tác nhân đẩy các bạn trẻ đi gần đến nguy cơ thất nghiệp”- ông Trương Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Trí Tuệ Việt, nhận xét.
Theo NLĐ
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông