Các đồng nghiệp của bạn, ai nấy đều lần lượt được lên lương cả, trong khi bạn cứ “dậm chân tại chỗ”. Đừng vội ấm ức ghen tị. Hãy tự vấn lại bản thân xem bạn có đủ điều kiện được lên lương không đã.
Bạn làm việc lâu chưa?
Nếu bạn mới chuyển đến công ty một, hai tháng thì bạn hãy bỏ ngay ý định yêu cầu tăng lương đi. Hãy dành thời gian để thể hiện mình đã.
Bạn có hiểu về chính sách của công ty không?
Khi được nhận vào làm, bạn đã đọc cuốn “Những điều lệ chính sách của công ty” chưa? Bạn đã đọc mục “Chính sách tăng lương” chưa? Một số đơn vị tăng lương định kỳ hàng năm. Một số công ty dựa vào bản đánh giá của lãnh đạo. Một số khác dựa vào thành tích của nhân viên,… Hãy xem lại xem bạn đã đáp ứng được những yêu cầu đó chưa?
Bạn có đi làm đầy đủ không?
Nếu bạn thường xuyên nghỉ việc vì những lí do: đau ốm, công việc gia đình,… Việc bạn không được tăng lương là tất nhiên.
Công việc của bạn có được đánh giá tốt không?
Giám đốc đánh giá công việc của bạn như thế nào? Có “sáng sủa” không hay toàn những góp ý về sai sót khuyết điểm? Trước khi yêu cầu tăng lương, hãy “làm đẹp” lại bản đánh giá trước đã.
Thiếu bạn, công ty có ảnh hưởng gì không?
Bạn có là nhân viên chủ chốt, cần thiết trong công ty không hay chỉ như “một chậu cảnh”? Nếu bạn là một nhân vật không thể thiếu, hiển nhiên bạn có quyền yêu cầu tăng lương.
Bạn đã đạt được thành tích nào chưa?
Bạn đã từng giúp một dự án của công ty được hoàn thành nhan hơn và tốn ít chi phí hơn? Bạn đã từng có một bản báo cáo độc đáo được tuyên dương trước cuộc họp? Bạn đã từng thảo một hợp đồng “cỡ bự” chưa? Tóm lại, bạn đã có một vài dấu ấn trong công ty. Những thành tích này sẽ hậu thuẫn cho yêu cầu tăng lương của bạn.
Mức lương của bạn đã thỏa đáng chưa?
Hãy tham khảo thị trường trên các trang web, từ bạn bè, từ các công ty khác, thử xem mức lương của những người có vị trí, công việc gần tương đương với bạn như thế nào. Nếu bạn thấy mình thua kém hơn hẳn thì cần thiết yêu cầu tăng lương. Còn nếu mức lương của bạn cũng khá “hời” rồi thì tốt nhất bạn nên im lặng.
Bạn đã nghĩ đến hậu quả chưa?
Trước khi có ý định yêu cầu tăng lương, hãy xem xét những khả năng có thể xảy ra. Có thể sếp sẵn sàng đồng ý, cũng có thể sếp phản đối nhưng vẫn giữ thái độ bình thường. Tệ nhất là sếp sẽ khiến bạn vô cùng ấm ức và cho nghỉ việc. Hãy suy xét thật kỹ nhé.
Tình hình tài chính của công ty hiện tại?
Nếu công ty đang làm ăn thua lỗ, thậm chí phải cắt giảm nhân công, giờ làm, yêu cầu tăng lương lúc này thật lố bịch. Nếu công ty đang ăn nên làm ra, nhận được nhiều hợp đồng lớn, tuyển thêm nhiều nhân viên thì bạn còn chần chừ gì nữa?
Có nhất thiết phải tăng lương?
Một mức lương cao tất nhiên ai cũng thích. Tuy nhiên, đó không phải là lý do quan trọng nhất khiến chúng ta đi làm mỗi ngày. Chúng ta đi làm còn là vì niếm đam mê với công việc, vì những mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp… Hãy xét tới tất cả những “lợi nhuận” bạn thu được khi làm việc ở công ty: ngày nghỉ, tiền thưởng, bảo hiểm, môi trường làm việc,… Điều đó đôi khi quan trọng hơn khoản bạn nhận được hàng tháng.
Theo Joblynx
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông