Bạn đang ở tại một ngày hội việc làm nhộn nhịp, hít một hơi thật sâu, bạn thẳng bước đến nhà tuyển dụng hàng đầu trên danh sách của bạn. Đây chính là doanh nghiệp bạn mong muốn được làm việc, và người mà bạn sắp tiếp xúc chính là thử thách đầu tiên bạn phải vượt qua.
Bạn nhìn vào mắt người đại diện, mỉm cười thân thiện và bắt tay họ thật chặt. Đến lúc này, mặc dù không ai báo hiệu “3, 2, 1, bắt đầu!” nhưng bạn cũng nhận ra rằng đây chính là thời điểm quyết định trên con đường tìm việc của mình. Trong vòng 60 giây sắp tới, bạn sẽ cần phải nói những gì để nhà tuyển dụng này nhận ra bạn chính là ứng viên tiềm năng của họ?
Bao gồm đầy đủ thông tin
Nhiều chuyên gia tư vấn hướng nghiệp thường khuyên các sinh viên nên soạn trước một bài tự giới thiệu ngắn để “tiếp thị” chính mình khi đối diện với nhà tuyển dụng. Theo các chuyên gia, một bài giới thiệu nên bao gồm các thông tin sau:
Tên
Lớp (năm nhất, năm cuối…)
Chuyên ngành
Các cơ hội đang tìm kiếm
Kinh nghiệm liên quan (công việc làm thêm, thực tập, công tác từ thiện…)
Những kỹ năng và ưu điểm nổi bật
Hiểu biết về công ty
Bạn nên soạn từng bài giới thiệu dựa trên thông tin bạn tìm hiểu được về từng công ty để có thể nêu ra những kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Như thế bạn có thể gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Nên bắt đầu tìm hiểu về các công ty trước khi tham gia hội chợ. Bạn có thể tìm được danh sách các doanh nghiệp tham gia hội chợ thông qua nhà tổ chức. Sau đó, bạn có thể nhờ vào website và sách báo để rút ra những thông tin có thể giúp ích được cho mình.
Đặt những câu hỏi thông minh
Bạn nên kết thúc phần giới thiệu bằng một câu hỏi có chủ đích để thu hút nhà tuyển dụng vào cuộc đối thoại với mình. Những câu hỏi nên đặt ra có thể là: “Xin vui lòng cho tôi biết thêm thông tin về dòng sản phẩm mới công ty đang phát triển?” hoặc “Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về chương trình Quản trị viên tập sự của công ty?”
Các nhà tư vấn cũng khuyên bạn tránh hỏi những điều sau đây:
– Công ty hoạt động trong ngành nào?
– Công ty có tuyển nhân sự không?
– Hoặc khi được hỏi bạn muốn ứng tuyển vào vị trí nào, không nên đáp rằng “Vị trí nào với tôi cũng đều tốt cả.”
Thực hành, thực hành và thực hành
Sau khi đã soạn được bài giới thiệu hoàn chỉnh, bạn nên luyện tập thường xuyên. Việc “tuỳ cơ ứng biến” không phải là một kế hoạch sáng suốt, đặt biệt là khi đang đứng trước nhà tuyển dụng tương lai.
Luyện tập kỹ lưỡng sẽ giúp bạn tự tin hơn với bài giới thiệu của mình. Nên nhớ rằng những câu từ bạn nói ra chỉ là một phần nhỏ, tác phong và thái độ tự tin đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của bước giới thiệu này.
Không nên lặp lại bài giới thiệu như “trả bài”, thay vào đó, bạn nên kèm theo những cử chỉ như nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng, nét mặt thân thiện, v.v. Nên tập trước gương, hoặc với bạn bè, thầy cô để được góp ý.
Một bài tự giới thiệu hoàn hảo sẽ đưa bạn vượt qua “vòng loại” để đến phần quan trọng kế tiếp – phỏng vấn. Ngược lại, một bài giới thiệu lủng củng sẽ là một trở ngại lớn trên đường tìm việc của bạn.
Dưới đây là một bài tự giới thiệu mẫu để bạn tham khảo. Nhân vật trong bài này là một sinh viên năm cuối ngành tài chính và đang có ý định ứng tuyển vào một ví trí trong Acme Financial Corp.
“Xin chào. Tên tôi là Tuấn Anh, sinh viên năm cuối ngành tài chính trường đại học Kinh Tế. Qua website của Acme, tôi được biết quý công ty đang cần tuyển trưởng phòng tài chính – một vị trí tôi rất quan tâm.
Năm ngoái, tôi được thực tập tại công ty Johnson Financial và học hỏi rất nhiều điều bổ ích. Dự án thú vị nhất với tôi trong thời gian ấy là tái cấu trúc hệ thống dịch vụ cho khu vực miền Nam. Qua đó tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý giá về tài chính và phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm. Qua đó, tôi càng nung nấu ước mơ trở thành giám đốc tài chính tại 1 trong 10 công ty tài chính hàng đầu như Acme Financial. Tôi luôn theo sát thông tin về hoạt động mở rộng của công ty tại miền Nam qua báo chí.
Vừa qua, trong báo cáo thường niên của công ty, tôi nhận thấy công ty đang cân nhắc việc mở rộng dịch vụ ở miền Nam. Xin vui lòng cho tôi biết thêm thông tin về kế hoạch này và cả chương trình Đào tạo giám đốc tài chính của công ty?”.
Theo Vietnamwworks
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông