Những sinh viên vừa mới ra trường, chân ướt chân ráo, bất kể tấm bằng đại học đỏ chói hay tầm tầm kha khá, chứ chưa nói đến hạn trung bình, chuyện tìm cho mình một chỗ làm tốt cũng phải đổ nhiều mồ hôi, lắm khi cả những giọt nước mắt thất vọng.’
Chiến dịch rải hồ sơ và… chờ đợi
Ngồi trước mặt tôi là cậu bạn tên Hùng, tốt nghiệp khoa Địa lý – đại học sư phạm I Hà Nội với tấm bằng khá hẳn hoi. Ly nước mía trên bàn đã cạn mà gương mặt Hùng vẫn còn nhiều mệt mỏi, lấm tấm mồ hôi.
Hùng kể, cậu đã chuẩn bị đến 10 bộ hồ sơ với đầy đủ bằng tốt nghiệp, sơ yếu lý lịch, chứng minh nhân dân, bằng A vi tính, B tiếng Anh… với điểm xuất phát từ Hà Nội, đến Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, ở mỗi nơi, cậu đều gửi hy vọng tràn trề của mình qua các phòng tổ chức cán bộ. Đáp lại hy vọng của Hùng là những cái bắt tay thân thiện, những tấm card ghi rõ địa chỉ, điện thoại… nhưng không biết bao nhiêu lần tốn khá nhiều tiền cho việc liên lạc mà hồi âm lại sự trông đợi của Hùng vẫn là những câu ỡm ờ đại loại “đang trong hè mà, đợi khai giảng đã!”, “đang giảm biên chế, thông cảm chờ một thời gian thử nhé!”, “chưa đến đợt tuyển dụng…”.
Chờ đợi đến hơn 6 tháng với cơm cha, áo mẹ, Hùng quyết không nản chí, cậu tiếp tục chịu ơn cha mẹ bằng mấy gánh lúa bán đi, gom góp số tiền ít ỏi, cậu tiến thân vào Đà Nẵng. Cả một tuần trôi nổi, sống vạ vật tại ký túc xá sinh viên, gương mặt Hùng rạng rỡ khi có được số điện thoại của thầy trưởng khoa ở một trường đại học. Sau khi trò chuyện, thầy giới thiệu Hùng xuống phòng tổ chức. Cậu hăng hái xuống phòng tổ chức, nhân viên ở phòng lại bảo cậu trở lại khoa…, Cứ thế, Hùng cầm bộ hồ sơ chạy đi, chạy lại.
Trò chuyện với tôi, đá trong ly nước mía đã tan thành nước, Hùng tu cái ực rồi lôi chiếc bánh mì mua từ sáng trong cặp ra, giọng mệt mỏi: “Mai em sẽ đón xe vào Sài Gòn”. Hy vọng, đó là điểm dừng chân cuối cùng đón nhận hồ sơ của cậu.
Còn với Hằng, cử nhân khoa Văn – trường Cao đẳng sư phạm QN thì khác một chút. Khi còn là sinh viên, Hằng học khá giỏi, học bổng không thiếu học kỳ nào. Thế mà ra trường đã hơn một năm, tấm bằng của Hằng vẫn nằm im lìm tại một góc nhà. Thì ra tỉnh đưa chỉ tiêu của giáo viên văn về các trường quá ít. Nằm nhà một thời gian, Hằng bước chân vào Sài Gòn, đi dạy thêm, làm thêm ở một số công ty để đợi… chỉ tiêu mới của tỉnh.
Nhưng đợi hoài mà chẳng thấy, công việc đang làm không đủ nuôi sống bản thân, Hằng đành trở về quê. Và bây giờ, cô tạm xếp tấm bằng tốt nghiệp lại, theo học nghề may của chị gái trong tâm trạng vô định hướng.
Long đong việc tạm, lương hờ…
Tốt nghiệp đại học KHXH&NV, loại giỏi đàng hoàng, và cũng như bao sinh viên khác, Nguyên cũng chuẩn bị cho mình một chồng hồ sơ cao ngất, trong mỗi hồ sơ còn có thêm chứng chỉ sư phạm, tờ khai đối tượng Đảng… Và đi đến đâu, từ đại học Kiến trúc, Kinh tế, Bách khoa, Nguyên cũng được mời vào giảng tuyển.
Với những lý luận thuyết phục trong bài giảng đến phong cách sư phạm thu hút, giọng nói truyền cảm, Nguyên vượt qua được nhiều đối thủ của mình, nhưng kẹt nỗi vóc dáng quá gầy, quá thấp so với tầm vóc của một giảng viên, cuối cùng cô vẫn bị loại. Nguyên đành xin cộng tác ở các công ty quảng cáo, làm tiếp thị sản phẩm. Tiền lương hằng tháng không quá 1 triệu đồng, ở thành phố chỉ đủ cho những chi tiêu như tiền thuê nhà, điện nước, lắm khi Nguyên phải cắn răng gọi điện về quê nhờ sự tiếp sức của cha mẹ.
May mắn hơn Nguyên, Diệp được một chỗ làm tại huyện nhà, nhưng do gia đình quá khó khăn, lại còn đứa em đang theo học đại học, cho nên dù không xin việc làm đúng chuyên ngành tại thành phố, Diệp cũng cố bám trụ tại nơi đất chật, người đông ấy bằng công việc viết quảng cáo cho các công ty. Ban đầu, cô làm cho công ty AV, lương chưa đến 1 triệu đồng mà suốt ngày chạy đôn chạy đáo khắp nơi do sếp sai bảo.
Không thích hợp với lối trịch thượng của ông sếp, Diệp xin rút hồ sơ, chuyển qua dịch vụ quảng cáo ĐV, ở đây cô lại đụng độ với mấy nhân viên lúc nào cũng trong tư thế cạnh tranh nhau, thế là lại rút. Cho đến giờ, Diệp không biết cô đã chuyển bao nhiêu chỗ làm mà vẫn chưa tìm được một nơi thích hợp.
Và còn nhiều trường hợp khác như Dương – khoa cơ khí, chế tạo máy của trường đại học sư phạm kỹ thuật lại trở thành nhân viên trông coi tiệm Net. Còn Hòa, sinh viên khoa tiếng Hàn, có chân trong ban quản lý của một xí nghiệp may mặc là một cơ hội lớn với cô. Nhưng suốt ngày nhìn thấy cảnh quản lý đay nghiến, gây áp lực với công nhân, cùng là người Việt, cô luôn lên tiếng bảo vệ công nhân của mình thì lại bị mấy tay sếp Hàn Quốc phùng mang, trợn má dọa sa thải…
Bố mẹ quen biết rộng, chưa hẳn đã “xuôi”
Chẳng cần phải bon chen rải hồ sơ như truyền đơn, bằng tốt nghiệp chỉ loại khá, nhưng bố mẹ quen biết nhiều, nên ngay từ năm thứ tư, Dung đã có chân trong một công ty danh tiếng của thủ đô. Ngày đầu tiên đi làm, cô hớn hở với bao kế hoạch trong đầu. Nhờ vị thế của bố mẹ mà Dung không cần phải “cơm bưng, nước rót” như bao nhân viên khác đang thử việc.
Tháng làm việc thứ nhất của Dung trôi qua thật thanh thản. Nhưng rồi đến tháng thứ hai, thứ ba và những tháng kế tiếp, Dung không chỉ ngồi một chỗ để kiểm tra các tư liệu, hồ sơ, mà cô còn phải dịch các tư liệu mới, lên lịch làm việc cho cả phòng, đi cùng với sếp gặp gỡ các đối tác nước ngoài. Ở những buổi gặp gỡ đó, Dung phải học hỏi cách đi đứng, tiếp chuyện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Cô còn thường xuyên có chân trong đoàn đi giao dịch khắp các vùng trong nước, có khi sang nước ngoài.
Với lối làm việc trên, Dung không kham nổi vì trình độ ngoại ngữ thời đại học của cô chỉ ở mức bình thường, nên nhiều khi giao tiếp với khách, cô còn lúng túng. Dung lại chưa kinh qua một trường lớp kế toán nào cả, nên mọi con số ở cơ quan, cô đem về nhà và trông chờ vào mẹ. Cường độ làm việc cao, lại đi công tác liên tục nên quá căng thẳng. Cho dù lương mỗi tháng của Dung được tính theo đô, nhưng cuối cùng, Dung đành xin nghỉ việc vì cô không đủ khả năng để tiếp tục, cũng như cô không thích hợp với môi trường làm việc quá năng động và nhạy bén của công ty.
Còn tôi, cũng có thể cho rằng tôi là một người may mắn. Vì với bộ hồ sơ đầu tiên, thông qua công đoạn giảng tuyển, tôi đã được tiếp nhận về công tác giảng dạy ở một học viện miền Trung – trực thuộc học viện trung ương. Niềm vui sướng của một sinh viên mới ra trường đã có ngay việc làm ở một cơ quan tầm cỡ đưa tôi lên những đỉnh cao hân hoan.
Nhưng rồi những tháng làm việc đầu tiên đã kéo niềm hân hoan ấy xuống. Tôi lờ mờ nhận ra rằng, công việc giảng dạy, nghiên cứu vốn trầm tĩnh lại không thích hợp với một đứa thường xuyên thích xông pha vào trận mạc viết lách, đi đây đó như tôi. Hơn nữa, nếu muốn được lên lớp và đứng trước đối tượng giảng dạy của mình là những học viên cao cấp, tôi không những phải hội tụ vững chắc kiến thức mà cần có tầm vóc của một giảng viên. Để đạt được điều kiện đó lại là một thời gian quá dài tự rèn luyện.
Thời gian cứ trôi vùn vụt mà công việc nghiên cứu tại cơ quan lại là những chuỗi ngày dài nhàm chán. Và trong tôi hiện đang tranh đấu giữa hai suy nghĩ đối chọi nhau: thoát ra khỏi nơi làm việc nhàm chán ấy để chen chân vào thế giới của những cây viết, hay kiên nhẫn ngồi một chỗ, tra cứu tài liệu để đợi đến ngày bước chân lên bục giảng?
Theo Kiếm việc
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông