Cải cách thuế được hối thúc

38
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNhững hối thúc về việc phải sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dường như ngày càng lớn hơn, bởi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012, vừa diễn ra tại Hà Nội, cộng đồng DN và các nhà đầu tư lại tiếp tục lên tiếng về những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Luật.
Câu chuyện sửa đổi Luật Thuế TNDN, tất nhiên phải bắt đầu từ việc giảm dần thuế suất thuế TNDN, mà theo đề xuất của Bộ Tài chính, là có thể theo hai hướng: giảm xuống 20% hoặc 22-23%, từ mức 25% hiện hành. Giảm thuế suất thuế TNDN là để vừa tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất – kinh doanh, vừa tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Thực tế, không chỉ cộng đồng DN trong nước, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm tới lộ trình giảm thuế TNDN. Chính sách thuế ở quốc gia nhận đầu tư có tác động rất lớn tới việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi thế, giảm thuế TNDN cũng là một trong những động thái được cho là sẽ tác động tích cực tới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan, Indonesia, Myanmar… Để không mất lợi thế, theo khuyến nghị của các nhà đầu tư, mức giảm thuế TNDN nên được dựa trên việc xem xét cả mức giảm thuế của các quốc gia khác trong khu vực.
Cùng với việc giảm thuế TNDN, một vấn đề các được các nhà đầu tư quan tâm. Đó là mức khống chế đối với chi phí quảng cáo và khuyến mãi của các doanh nghiệp FDI. Điều mà các nhà đầu tư trông chờ, là Việt Nam công bố một lộ trình cụ thể việc bãi bỏ hoàn toàn quy định mức khống chế này. Nếu tiếp tục trì hoãn, có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam, cũng như niềm tin của nhà đầu tư.
Nhưng giảm thuế suất thuế TNDN, hay bãi bỏ các quy định về hạn chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi là một chuyện, điều mà cộng đồng DN và các nhà đầu tư trông chờ còn ở việc các chính sách thuế phải được quy định một cách minh bạch, rõ ràng và ổn định.
Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp, ưu đãi thuế ghi trên giấy chứng nhận đầu tư một kiểu, áp dụng lại là một kiểu khác. Đành rằng vẫn có những trường hợp vì địa phương cấp ưu đãi vượt khung, hay thậm chí là, đó là những ưu đãi có điều kiện, nên hậu kiểm, DN không được hưởng những ưu đãi đã ghi trên giấy chứng nhận đầu tư, song việc “chiết giảm” mức ưu đãi về thuế của DN không phải không có. Trong trường hợp này, nhà đầu tư đòi hỏi quyền “được bảo vệ” và đó là những đòi hỏi chính đáng.
Tương tự, những khuyến nghị về việc phải cho các dự án đầu tư mở rộng cũng được hưởng ưu đãi đầu tư, hay đầu tư trong các khu công nghiệp cũng được ưu đãi đầu tư… đã được đề cập. Việc Việt Nam cắt giảm các ưu đãi này đã ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động của các DN, cũng như tình hình thu hút đầu tư FDI.
Luật Thuế TNDN Việt Nam đang được xem xét sửa đổi và theo chương trình xây dựng luật, thì nó có thể được thông qua trong năm 2013. Và đây là điều mà cộng đồng DN và các nhà đầu tư mong chờ, làm sao để Việt Nam có một chính sách thuế minh bạch, vẫn đảm bảo thu ngân sách nhà nước, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư, cũng như tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.
Có thể là hơi sớm để nói điều này, nhưng khi Luật đã được thông qua, thì cũng cần sớm có nghị định và thông tư hướng dẫn một cách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu, để Luật được triển khai trong thực tế mà không gặp phải những vướng mắc, bất cập khiến phải bổ sung các văn bản có cấp hiệu lực thấp hơn.

Theo Nguyên Đức

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không