Gắng “sống” chờ đề án

38
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamChính phủ đang xây dựng đề án ngăn chặn tình trạng nhập lậu gà và dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 11 này. Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay, liệu các DN chăn nuôi gia cầm có “sống” được tới khi đề án đi vào thực tế ? 
Theo đại diện Cty TNHH Thanh Bình- chuyên về chăn nuôi gà cho biết, từ giờ đến cuối năm Cty sẽ đóng cửa trại gà thịt chỉ để lại gà giống vì giá gà nhập hiện chỉ có 0,85 USD/kg (khoảng 16.000 đồng/kg) trong khi giá thành chăn nuôi 1 kg gà hơi trong nước đã lên đến 30.000 đồng/kg thì làm sao người nuôi gà trong nước cạnh tranh được. DN Việt đã vậy, ngay cả DN FDI cũng không khá hơn. Chẳng hạn như: Cty CP VN- một DN chăn nuôi có vốn nước ngoài lớn nhất VN đang lỗ 72 tỉ đồng/tháng, Cty Emivest lỗ 60 tỉ đồng/tháng, Japfa lỗ 48 tỉ đồng/tháng… Như vậy, thử hỏi các DN chăn nuôi trong nước lèo tèo như chúng tôi làm sao có khả năng trụ vững- vị đại diện này than thở.

Quy trách nhiệm từng khâu, từng cá nhân
Không chỉ DN, hàng ngàn hộ chăn nuôi VN đang đứng trước nguy cơ phá sản, trước tình trạng gà nhập lậu ồ ạt nhập khẩu. Trước tình thế này, Bộ Công Thương đã bắt tay với một số bộ ngành cho ra đời đề án về ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc.
Theo như đề án kiểm soát gia cầm nhập lậu đã đề ra, cần phải quy kết trách nhiệm cho từng cơ quan, địa phương để xảy ra gia cầm lậu. Trong đó, các địa phương ở biên giới phải chịu trách nhiệm về việc để gia cầm lậu tràn vào nội địa. Các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát quá trình vận chuyển chịu trách nhiệm việc để lọt lưới, buông lỏng kiểm tra, kiểm dịch. Còn chính quyền các địa phương nơi tiêu thụ chịu trách nhiệm việc có gia cầm lậu trên địa bàn.
Đồng tình với đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khi xây dựng phương án ngăn chặn gà nhập lậu phải làm rõ ba khâu quản lý: Thứ nhất, biên giới kiểm soát cần đặt yêu cầu gì? Thứ hai, vấn đề trung chuyển giải quyết tới đâu? Thứ ba, nơi tập kết ai chịu trách nhiệm? Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 31/11. 
Băn khoăn trước những vấn đề “to tát” của đề án, đại diện Cty Cổ phần phát triển chăn nuôi Sơn La chia sẻ: trong cuộc chiến chống gà nhập lậu chúng ta không thể đổ thừa cho lực lượng mỏng. Vì nhiều địa phương, đơn vị, chưa làm hết trách nhiệm, còn quản lý lỏng lẻo, có nhiều kẽ hở để thương lái lách luật. Do vậy, đề án xây dựng cần phải tập trung vào vấn đề quy rõ trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu mỗi khâu quản lý”.

Và hy vọng
Chia sẻ với DĐDN mới đây, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định “tôi rất không hài lòng khi mà tình hình nhập lậu diễn biến phức tạp như vừa qua nhưng rất nhiều đơn vị, cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan thú y, cơ quan chăn nuôi lại không phát hiện được hoặc là không biết vấn đề này”. Khi “truy xuất” các cơ quan này thì lại thường thoái thác là lực lượng mỏng, biên giới dài…. Như vậy rõ ràng, nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là do chủ quan. Cách làm hiện nay không hiệu quả và sẽ không bao giờ giải quyết được. Không thể rải quân đi bắt hết được cửu vạn.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 91/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, qua đó các biện pháp chế tài trong xử phạt được tăng lên. Cơ quan chức năng có thể xử vi phạm đến 100 triệu đồng và tịch thu phương tiện. “Nếu làm quyết liệt có thể xử lý được những bất cập liên quan đến vấn đề ATVSTP này” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Trước đó, tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 14/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cam kết, đến hết năm 2013 sẽ ngăn chặn cơ bản gà nhập lậu vào VN để bữa ăn của người dân được an toàn. Điều này cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: vậy từ giờ đến 2013, người tiêu dùng sẽ phải tìm cách nào để ăn “gà sạch”?
Để quyết liệt ngăn chặn gà lậu, gà thải thẩm lậu vào VN, Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ đã thống nhất chọn gà lậu để “làm điểm” trong chiến dịch ngăn chặn thực phẩm bẩn, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để mở rộng triển khai sang các nhóm hàng khác như rau củ, trái cây…
Hi vọng, với quyết tâm vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ban ngành, thị trường thực phẩm của VN sẽ thực sự an toàn – bắt đầu từ con gà.

Ông Cấn Xuân Bình – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: 
Phối hợp chưa đồng bộ”

Trước hết, việc kiểm soát tại cửa khẩu, tại các tỉnh biên giới hiện nay chưa chặt chẽ, việc kiểm soát trên đường vận chuyển cũng còn nhiều hạn chế và sự phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ. Vì vậy gia cầm nhập lậu từ Móng Cái, Lạng Sơn vẫn có thể vượt hàng trăm cây số đưa về Hà Nội tiêu thụ. Và cuối cùng là khâu kiểm soát tại nơi tiêu thụ chưa gắn được trách nhiệm của chính quyền cơ sở (các phường, xã) trong việc quản lý địa bàn. Như vậy muốn ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm cần phải kiểm soát chặt chẽ “đầu vào” tại khu vực biên giới, đường vận chuyển hàng của các đối tượng và “đầu ra” tức là địa bàn tiêu thụ sản phẩm nhập lậu. Tôi nghĩ giờ này không nên chẻ ra xem công việc nào là quan trọng hơn, mà tất cả các ngành, các địa phương đều phải vào cuộc, đều phải có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội chăn nuôi VN: 
Đưa vào danh mục chịu trách nhiệm hình sự

Dẫu biết rằng việc bắt giữ và xử phạt những đối tượng vi phạm trong vận chuyển, tiêu thụ gà lậu rất khó khăn nhưng không phải không làm được. Cần phải đưa hành vi buôn bán gia súc, gia cầm lậu vào danh mục những đối tượng chịu trách nhiệm hình sự thì mới đủ sức răn đe. Vì thực tế cho thấy, vấn nạn buôn bán gà lậu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi và sức khỏe của hơn 80 triệu người tiêu dùng trong nước. Do vậy, nếu chỉ áp dụng biện pháp hành chính sẽ không đủ sức răn đe. Hơn nữa, khi cơ quan báo chí đã đăng tải các thông tin sai phạm thì ngành chức năng cần phải có mặt ngay tại hiện trường để xác thực thông tin và xử lý triệt để các sai phạm đó, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng biết và không sử dụng. Tiếp theo đó là thực hiện biện pháp tiêu huỷ ngay lượng gia cầm nhập lậU đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN, cá nhân xây dựng lò giết mổ tập trung, để người dân có thể sử dụng sản phẩm gia cầm sạch, nói không với gia cầm nhập lậu.

Theo Mai Thanh

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không