Ngoài việc tạo ra môi trường công bằng về cơ hội làm việc cho mọi nhân viên, để bộ máy nhân lực của công ty luôn ở thế cân bằng và hoạt động trôi chảy, còn cần phải làm cho các nhân viên được ở thế cân bằng đối trọng.
Mỗi nhà quản lý đều cần có vài kỹ năng quản trị nhân sự chuyên sâu. Các nhà quản lý thường mong muốn thúc đẩy nhân viên làm việc, sao cho 8 giờ trong công sở được tận dụng triệt để. Nhưng lại hay gặp tình trạng càng thúc ép, nhân viên càng dễ phản ứng tiêu cực. Chẳng hạn lãnh đạo vừa quay lưng đi thì bỏ bê công việc, tỏ ra làm việc cần cù nhưng thật ra hiệu suất công việc lại thấp, âm thầm tìm cách nhảy việc hoặc tệ hơn là phản ứng gay gắt với lãnh đạo, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín lãnh đạo, làm mất truyền thống văn hóa công ty…
Làm cách nào để nâng cao chất lượng công việc của nhân viên một cách ổn thỏa? Nguyên nhân chính dẫn đến những phản ứng tiêu cực nêu trên là do nhân viên bị mất cân bằng bởi áp lực công việc hàng ngày. Do đó, mấu chốt để giải quyết vấn đề chính là làm sao nhân viên được ở trạng thái cân bằng đối trọng, bằng cách giảm áp lực công việc hoặc tạo ra một áp lực khác đối trọng để cân bằng áp lực công việc. Nói ngắn gọn hơn là làm cho nhân viên cảm thấy được thư giãn.
Một đứa trẻ có thể ê a đọc đi đọc lại hàng giờ đồng hồ vẫn không thuộc bài nhưng lại có thể nhớ vanh vách những tình tiết trong một quyển truyện hay dù chỉ xem qua một lần. Lý do là khi đọc truyện, đứa trẻ cảm thấy hoàn toàn thư giãn và thích thú nên có thể chú tâm và nhớ được các chi tiết. Người lớn nếu làm việc trong tâm trạng thích thú chứ không phải miễn cưỡng và căng thẳng thì hiệu suất làm việc sẽ cao hơn.
Một số phương pháp chủ yếu để tăng hứng thú làm việc của nhân viên là:
– Xây dựng mối quan hệ tốt giữa các nhân viên và giữa lãnh đạo với cấp dưới.
– Làm cho nhân viên cảm thấy mình quan trọng và tự hào về vai trò của mình với công ty, từ đó có trách nhiệm với công việc.
– Gợi mở để nhân viên ý thức được định hướng phát triển của mình nếu làm tốt công việc.
Hứng thú công việc sẽ có được qua những cảm giác thư giãn được chẻ nhỏ ra trong quá trình làm việc, từ những chuyện cụ thể như sếp mỉm cười thiện cảm với nhân viên, nhờ đó công việc được hoàn thành và sau đó lại được đánh giá tốt…
Với một ly nước đầy thì chỉ cần cho thêm một giọt nước cũng đủ làm tràn miệng ly. Tuy nhiên, nếu ta chậm rãi và nhẹ nhàng cho vào ly nước đầy ấy từng cây kim sao cho mũi nhọn của kim vào ly trước thì có thể cho thêm vào chiếc ly đầy nước ấy cả trăm cây kim. Đó là một trò chơi vật lý bình thường và cũng là một triết lý trong quản trị nhân sự.
Công việc lặp đi lặp lại cũng sẽ gây một áp lực đối với nhân viên vì nhàm chán. Điều này có thể được khắc phục nếu công việc của nhân viên được bớt đơn điệu với sự khác biệt theo từng giai đoạn, hoặc có thể tạo thêm đối trọng khác cho nhân viên giúp cân bằng áp lực công việc hàng ngày bằng cách thỉnh thoảng để nhân viên làm những công việc ngoại khóa có lợi cho công ty, chẳng hạn tham gia tổ chức hội nghị khách hàng của công ty…
Khi xây dựng một chiếc cầu treo, người kỹ sư phải tính toán làm sao cho có khoảng hở giữa những nhịp cầu, thành cầu… để gió thổi qua không gây lật cầu. Tương tự, trong quản lý nhân sự, công việc được bố trí dày đặc không có khoảng hở cũng chưa hẳn là điều tốt và có thể gây hậu quả xấu.
Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông