Nhiều nhà tuyển dụng đưa ra những tình huống trớ trêu khiến ứng viên lo lắng sẽ mất cơ hội. Lúc đó, tùy thuộc vào cách xử sự của ứng viên để họ đưa ra quyết định.
Câu chuyện phỏng vấn ở một công ty tài chính sẽ cho chúng ta bài học quý báu.
Trước buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thông báo mỗi nhân viên sẽ có 5 phút đối thoại với nhà tuyển dụng, đó cũng là những phút giây đáng giá và hẳn không ứng viên nào muốn lãng phí.
Một loạt ứng viên được gọi vào phòng, ai cũng muốn tận dụng tối đa khoảng thời gian ít hỏi để thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi ứng viên đang trình bày lại thường có chuông điện thoại cắt ngang. Để nhà tuyển dụng nghe điện thoại thì sẽ mất thời gian của mình, vì thế, nhiều ứng viên vẫn tiếp tục bài nói của mình cho đến khi nhà tuyển dụng nhấc máy.
Ra khỏi phòng phỏng vấn, không ít ứng viên lắc đầu, thậm chí bực bội vì sự thiếu lịch sự của người phỏng vấn. Họ cho rằng mình không được tôn trọng và phỏng vấn như thế chẳng có tác dụng gì bởi “vừa nói một lúc đã có điện thoại, nghe điện xong thì đã hết 5 phút của mình”. Tuy nhiên, không ai biết rằng, đó chính là “mẹo” của nhà tuyển dụng.
Đến lượt Hùng bước vào phòng, dù có chút bối rối và lo lắng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự ứng viên khác nhưng anh vẫn cố tỏ ra chững chạc, tự tin. Khi Hùng vừa kịp giới thiệu tên, tuổi thì điện thoại của người phỏng vấn lại reo inh ỏi. Hùng nghĩ, một công ty lớn thì chuyện bận rộn là đương nhiên, có khi cuộc gọi ấy còn quan trọng với công ty hơn nhiều so với buổi phỏng vấn hôm nay. Nghĩ vậy, khi điện thoại reo hồi thứ hai, Hùng không ngần ngại cầm máy lên đưa cho nhà tuyển dụng: “Anh cứ nghe điện thoại đi đã, kẻo nhỡ có việc gì quan trọng, tôi trình bày sau cũng được”.
Không ngờ, sau hành động của Hùng, người phỏng vấn kia đã tắt ngay chuông và cười tươi với anh: “Chúc mừng cậu, cậu đã vượt qua vòng tuyển dụng và chính thức được công ty lựa chọn”. Hùng vui mừng nhưng cũng chẳng hiểu tại sao lại có niềm vui bất ngờ như thế.
Cho đến khi vào làm việc tại công ty, trò chuyện với nhà tuyển dụng ấy, Hùng mới biết, hóa ra điện thoại chỉ là phép thử của họ. “Khi cho ứng viên khoảng thời gian 5 phút, chắc chắn, ai cũng muốn nói thật nhanh, thật nhiều với nhà tuyển dụng, để thể hiện bản thân một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sai lầm của ứng viên là ở chỗ, họ cứ chăm chăm vào lợi ích của mình mà không nghĩ đến người khác, không nghĩ đến công ty. Biết đâu, cuộc điện thoại ấy là của một khách hàng, đối tác quan trọng thì sao? Chúng tôi cần những người biết đặt quyền lợi của công ty lên trên”.
Hơn nữa, ứng viên nên biết rằng, không cần phải nói quá nhiều trong buổi phỏng vấn. Có người nói hết cả 5 phút nhưng vẫn bị loại, có ứng viên chỉ nói vài câu cũng đủ để “lọt mắt” nhà tuyển dụng. Những thông tin về ứng viên, quá trình công tác, kinh nghiệm và năng lực bản thân đã thể hiện qua CV và hồ sơ xin việc.
Theo Zing
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông