Việc ứng dụng chữ ký số sẽ đem lại cho doanh nghiệp, tổ chức rất nhiều lợi ích như: Tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử; giúp đẩy nhanh các giao dịch qua mạng trong khi vẫn đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin…
Hiện nay ở Việt Nam đã có 05 đơn vị gồm: VNPT, Viettel, Bkis, Nacencomm và FPT được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép là nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp và các đối tượng có nhu cầu vẫn chưa thực sự có cách hiểu đúng về chữ ký số và các giải pháp chữ ký số, chứng thực chữ ký số.
Hội thảo “Phát triển ứng dụng chữ ký số trong thương mại điện tử” do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) – Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương và Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia (RootCA) phối hợp tổ chức sáng 17/8, tại Hà Nội đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách có cách nhìn nhận toàn diện và chính xác về ứng dụng của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Các doanh nghiệp được tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ kỹ thuật của dịch vụ chứng thực chữ ký số và các giải pháp ứng dụng chữ ký số trong thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chữ ký số – công nghệ không thể làm giả
Các giao dịch điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến. Để bảo đảm an toàn cho các giao dịch này, cần phải sử dụng đến giải pháp chữ ký số. Chữ ký số trong môi trường điện tử cũng có giá trị như một chữ ký bình thường trong các giấy tờ, văn bản.
Theo ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, hiện nay có nhiều ứng dụng chữ ký số phù hợp cho doanh nghiệp. Điển hình là việc mã hóa bảo mật các thông tin số của doanh nghiệp, dùng chữ ký số xác thực email trao đổi thông tin, kiểm soát truy cập vào các sàn thương mại điện tử và các đơn đặt hàng, ngân hàng điện tử, mua sắm trực tuyến…
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã khóa công khai. Mỗi người dùng chữ ký số phải có một cặp khóa (keypair), gồm khóa công khai (public key) và khóa bí mật (private key). Khóa bí mật dùng để tạo chữ ký số. Khóa công khai dùng để thẩm định chữ ký số hay xác thực người tạo ra chữ ký số đó. |
Trên thực tế, chữ ký số không chỉ được thực hiện cho các giao dịch điện tử trên mạng internet mà còn qua hệ thống mạng viễn thông di động. Đặc biệt, hiện nay nhiều nước trên thế giới không chỉ triển khai ứng dụng chữ ký số trên mạng máy tính mà còn áp dụng trên mạng điện thoại di động để thực hiện các giao dịch điện tử. Hướng đi này giúp đẩy nhanh giao dịch, đơn giản hóa mua sắm trực tuyến và giúp người dùng có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.
Ông La Thế Hưng, Trưởng phòng an ninh bảo mật, Công ty VDC: “Chữ ký số là công nghệ không thể làm giả được. Nếu dữ liệu sau khi ký thay đổi thì chữ ký số lập tức mất hiệu lực…”.
Tiết kiệm thời gian, công sức
Là dịch vụ khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng qua quá trình triển khai thử nghiệm, ứng dụng chữ ký số đã được các doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình.
Đại diện Ngân hàng Bảo Việt cho biết, từ đầu năm 2010 đã bắt đầu ứng dụng chữ ký số trong nhiều giao dịch với cơ quan thuế. Quá trình triển khai cho thấy rõ những ưu điểm là rất tiết kiệm thời gian vì không phải xếp hàng tại cơ quan thuế vào những ngày cuối tháng, lại có thể nộp các tờ khai bất kể lúc nào…
Tại công ty Cổ phần chứng khoán Việt Nam – Direct, việc ứng dụng chữ ký số trong việc nộp các tờ khai thuế GTGT hàng tháng, tờ khai quyết toán thuế thu nhập hàng quý, tờ khai thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán cũng như thuế thu nhập cho cán bộ công nhân viên… đã được thực hiện từ cuối năm 2009 đến nay.
Theo đơn vị này, việc ứng dụng chữ ký số mang lại hiệu quả không hề nhỏ, vấn đề còn lại chỉ là khắc phục những sự cố liên quan đến đường truyền, và mở rộng hạng mục cho phép ứng dụng chữ ký số.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và hào hứng khi được ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động liên quan đến ngành thuế và nhiều cơ quan chức năng khác. Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã làm quen với các giao dịch qua mạng, lại phải nộp nhiều mẫu biểu cho cơ quan thuế hàng tháng, nên việc ứng dụng chữ ký số là hoạt động mà những người làm công tác kế toán của Công ty TNHH B.Braun Việt Nam đã chờ đợi từ lâu.
Để sử dụng chữ ký số cần phải đăng ký chứng thư số và tạo khóa bí mật lưu vào trong PKI Token với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Các chương trình ứng dụng phải hỗ trợ chức năng ký số, khi đó việc sử dụng khá đơn giản: nhấp chuột vào nút lệnh ký số, cắm thiết bị Token vào cổng USB, nhập PIN code bảo vệ Token, nhấp chuột vào nút lệnh ký. |
Trong giao dịch điện tử, các đối tác không phải gặp trực tiếp nhau mà vẫn có thể mua bán, trao đổi, ký hợp đồng… Giao dịch được thực hiện nhanh tin cậy sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh; tiết kiệm thời gian và tiền bạc không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh được coi là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giữ vững và mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh, và thực hiện các thỏa thuận thương mại trong khu vực và trên thế giới. Tất cả quá trình này đòi hỏi một lượng thông tin trao đổi rất lớn qua mạng, đồng thời yêu cầu độ an toàn và tính xác thực cao.
Chỉ có chữ ký số mới đảm bảo được sự an toàn này.
Thị trường chữ ký số tại Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Tuy muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng hiện tại, với 5 doanh nghiệp cung cấp chính thức và hàng nghìn doanh nghiệp ứng dụng, thị trường chữ ký số tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn.
(Theo VOVNews)