Đó là một ngày hè năm 1995, tôi cũng chẳng biết công ty sắp tới là công ty nào, chỉ biết dắt xe đi rồi hai anh em phi như bay đến trụ sở công ty ở phố Giảng Võ. Đến cổng công ty, tôi thấy ngay đây là một cái nhà máy cũ thời bao cấp, dọc đường vào là những máy móc hỏng chắc phải từ thời Na-pôlê- ông để lại, dầm mưa dãi nắng chất đầy khắp nơi. Vào sâu bên trong là một dãy nhà xây kiểu xưởng sản xuất. Sau khi được bác bảo vệ chỉ dẫn, chúng tôi leo lên cái cầu thang bằng sắt để lên văn phòng công ty ở tầng hai, tiếp chúng tôi là anh Tuấn – Phó giám đốc Công ty. Nghe anh giới thiệu, lúc này tôi mới biết công ty đó tên là Fremiko, hóa ra đây là một công ty
liên doanh với nước ngoài chuyên chế tạo các hệ thống điều hòa trung tâm cho các khách sạn và các tòa nhà lớn.
Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long (bên phải) và TGĐ Nguyễn Xuân Hoàng (bên trái) tại triển lãm Computer EXP0 1998
Do đã được giới thiệu trước, cộng với việc chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ cuốn tài liệu hướng dẫn, chứng tỏ chúng tôi đã có sẵn phần mềm chứ không phải bây giờ mới bắt đầu xây dựng nên màn thỏa thuận về giá cả được tiến hành ngay sau đó. Sau khi chốt về giá, có một yêu cầu phát sinh, đó là phần mềm phải được làm bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, vì công ty mẹ ở Pháp yêu cầu cũng phải xem được số liệu. Như vậy hàng tháng dữ liệu bằng tiếng Pháp sẽ được gửi về “bển” cho công ty mẹ xem. Nghe thấy phải làm cả bản tiếng Pháp, tôi chưa hình dung ra là phải nhờ ai tư vấn cho vì bản thân tôi tiếng Pháp một chữ bẻ đôi cũng không biết. Tuy nhiên cuối cùng hợp đồng cũng thỏa thuận xong, tiếng Pháp chứ lúc đó tiếng Trung hay tiếng Arập thì chúng tôi cũng gật hết! Vì để ký được một hợp đồng với những doanh nghiệp khi mới bắt đầu quả là rất khó khăn.
Phó TGĐ Lữ Hồng Chương (bên trái) tại trụ sở công ty số 2D Đường Thành giai đoạn 1999 – 2001
“…Bài học
|
Sau khi kết thúc buổi đào tạo đầu tiên, chúng tôi ngồi làm việc và trao đổi với anh Minh – Kế toán trưởng công ty. Anh xem các báo cáo và nhập thử chứng từ của công ty vào hệ thống phần mềm kế toán của MISA.
Chúng tôi hẹn hai hôm sau đến để làm nghiệm thu chương trình, trong thời gian này hai anh em bắt đầu làm phiên bản tiếng Pháp. Mặc dù ngày đó, ngôn ngữ lập trình FoxPro 2.6 là môi trường phát triển rất phổ biến và “thời thượng” nhưng lại không hỗ trợ đa ngữ, nên quy trình “tây hóa” khá là “nông dân”, bằng cách Save As từ bản tiếng Việt ra, sau đó bắt đầu ngồi tra từ điển để ánh xạ sang tiếng Pháp. Cũng may anh Long có bằng B tiếng Pháp nên có thể tra từ điển để chuyển đổi từ bản tiếng Việt sang tiếng Pháp. Bản thân tôi, không biết một chữ tiếng Pháp nào nhưng sau dự án đó, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một số từ thường xuất hiện như OK là “Oui”, Cancel là “Annuler”… còn đọc thì lấy tiếng Anh và bồi thêm những âm “xion”, “bleux”, “mon”, “çois”… kiểu “cô dơ mông tôi xoa”, hay “ăn mít xong đổ xơ mít ra mé sông”, nếu đọc nhanh thì ai không biết lại tưởng Việt kiều ở bên Tây về. Tài liệu hướng dẫn sử dụng, sau mấy ngày đánh vật, cuối cùng anh Long cũng dịch được ra tiếng Pháp. Chẳng hiểu khi gửi sang nước Pháp có ông nào cười không, nhưng sau khi bàn giao chúng tôi không nhận được phản hồi nào về bản tiếng Pháp này cả.
Hồi đó, do máy tính không đủ nên tụi sinh viên mới ra trường như chúng tôi toàn phải đợi sau giờ làm việc, khi mọi người về hết rồi thì mới bắt đầu lập trình (code), làm thâu đêm luôn, còn ban ngày thì uống nước chè vặt, hết đánh bóng bàn lại xuống xem mấy bác ở Phân viện Toán đánh cờ tướng. Do làm đêm nên tôi với anh Long cứ thay nhau, một người làm thì người kia ngủ, sau đó lại một người ngủ người kia làm.
TGĐ Nguyễn Xuân Hoàng (Đứng ngoài cùng bên trái) tại phòng Phát triển phần mềm tại số 2D Đường Thành giai đoạn 1999 – 2001
Sau hai hôm nhập thử số liệu, anh Minh phát hiện ra phần mềm có vô số lỗi, và những lỗi nếu so với bây giờ thì hết sức là ngớ ngẩn. Các bạn thông cảm là hồi đó chúng tôi không có khái niệm gì về quy trình phát triển phần mềm gồm những bước nào, cứ lập trình xong thì tự kiểm tra luôn, mà thường thì cũng bỏ qua nốt vì cứ “build” xong là mang sang khách hàng ngay chứ làm gì có thời gian mà “test”.
Lỗi nhiều quá, chúng tôi mang cả bộ cài FoxPro đến để lập trình tại chỗ luôn. Hai anh em chúng tôi đã rất vất vả, làm cả ngày và đêm, nhiều hôm ăn ngủ luôn tại công ty của khách hàng. Trong suốt quá trình làm cho Fremiko, cả anh Long và tôi mới vỡ ra nhiều điều về kiến thức kế toán. Trước đó, tôi cứ băn khoăn suốt tại sao khi ta nhận tiền mặt, mà lại phải ghi “nợ” tài khoản tiền mặt, trong khi chi ra lại ghi “có”, phải là ngược lại mới đúng chứ! Tôi có tiền sao lại là “nợ” ai được? Được cái anh Minh cũng hiền và dễ tính, chẳng bao giờ anh chê chúng tôi, mà toàn khen mới chết chứ, vì anh phục chúng tôi mấy cái mẹo sử dụng máy tính, cái gì anh bí chúng tôi cũng đều xử lý được. Anh quan niệm vì chúng tôi là dân tin học nên không biết kế toán cũng là lẽ thường tình.
Hôm đó là ngày phải làm báo cáo nửa năm, phần mềm thì vẫn lúc đúng lúc sai, chúng tôi làm đến 8h tối mà vẫn chưa xong. Đêm đó, chúng tôi lại thay nhau làm, cứ một người làm thì người kia có thể ngủ gà gật trên ghế, còn anh Minh thì kiểm tra số liệu, in rồi kiểm tra báo cáo, lại sửa, lại in… Thông thường thì anh Long làm phần nhập dữ liệu, còn tôi chuyên về phần báo cáo. Cứ thế đến khoảng 6h sáng thì đống báo cáo được in xong, anh Minh rà soát lại lần cuối, thấy ổn ổn rồi mới cho chúng tôi về.
…và, những thành công của MISA
Đây tuy không phải là dự án kế toán đầu tiên, nhưng đây là phiên bản đầu tiên mà khách hàng thực sự sử dụng và mang lại hiệu quả. Thật hạnh phúc khi thấy anh Minh say mê nhập, in ra từng xấp báo cáo và cẩn thận đối chiếu với số liệu gốc, gật gù, rồi cười khoái trá và lại rủ chúng tôi đi uống bia, rồi cả ba anh em cùng say sưa trao đổi về những gì mình đã làm và sẽ phải cải tiến.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng – TGĐ Công ty Cổ phần MISA
Về phía MISA, chúng tôi thực sự trưởng thành qua dự án này, cũng như gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm. Bài học quan trọng nhất là: Phần mềm phải được đưa vào sử dụng thực tế thì mới có thể gọi là thành công. Việc làm với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài này đã tạo tiền đề cho những dự án được ký kết về sau, ví như phần mềm Báo cáo ngân hàng RESTAB.