Kiến thức Tài chính kế toán Thống nhất quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thống nhất quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

2288
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả ở trong nước và ra thị trường vốn quốc tế sẽ được quy định thống nhất trong cùng một văn bản thay vì 2 văn bản như trước đây (Nghị định 52/2006/NĐ-CP và Nghị định 53/2009/NĐ-CP).

Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế của các loại hình doanh nghiệp: Công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp nhà nước trong thời gian chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả

Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn; các hoạt động phát hành trái phiếu phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Dự thảo cũng nêu rõ, tổng mức phát hành trái phiếu không vượt quá hạn mức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về trái phiếu chuyển đổi, đối tượng phát hành là công ty cổ phần. Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi phải đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Đối với trái phiếu không chuyển đổi, đối tượng phát hành bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp nhà nước trong thời gian chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Cả trái phiếu chuyển đổi và không chuyển đổi có thể là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền.

Việc phát hành trái phiếu nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp; tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Điều kiện phát hành trái phiếu

Trong nước, trái phiếu được phát hành và thanh toán bằng Đồng Việt Nam dưới hình thức chứng chỉ (gồm trái phiếu có ghi tên và không ghi tên), bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng, các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng.

Trường hợp phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, trái phiếu được phát hành và thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đồng tiền sử dụng để thanh toán trái phiếu cùng loại với đồng tiền phát hành.
Để phát hành trái phiếu trong nước, doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng các điều kiện: 1-có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động; 2-có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán bởi kiểm toán nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp ở Việt Nam; 3-kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi; 4-có phương án phát hành trái phiếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, ngoài các điều kiện trên còn phải đáp ứng thêm các điều kiện sau: 1-Trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm; 2- Đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế về hệ số tín nhiệm để phát hành trái phiếu (trong trường hợp phát hành cần có hệ số tín nhiệm); 3-Doanh nghiệp phát hành hoàn chỉnh hồ sơ phát hành theo đúng quy định; 4-tuân thủ quy định về quản lý nợ nước ngoài, quản lý ngoại hối theo pháp luật hiện hành.

Thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu

Dự thảo cũng quy định cụ thể thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu. Theo đó, đối với trái phiếu chuyển đổi, Đại hội cổ đông phê duyệt phương án phát hành trái phiếu. Đối với trái phiếu không chuyển đổi, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp phê duyệt phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều lệ doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước phát hành trái phiếu mà hệ số nợ trên số vốn điều lệ vượt quá 3 lần thì phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt trên cơ sở các dự án đầu tư có hiệu quả. Sau khi quyết định, cơ quan đại diện chủ sở hữu thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát.

Trong trường hợp doanh nghiệp Nhà nước phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế thì đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án phát hành trái phiếu trên cơ sở các dự án đầu tư có hiệu quả.

Phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước ra thị trường vốn quốc tế phải được Bộ Tài chính thẩm định trên cơ sở phê duyệt của đại diện chủ sở hữu và ý kiến xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về việc khoản vay nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia. Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhà nước ra thị trường vốn quốc tế.

(Theo VPG News)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không