Kiến thức Tin tức MISA trong tôi

MISA trong tôi

293

        Quả thật đã đi lại với Công ty Cổ phần MISA  nhiều năm nhưng chưa khi nào tôi có dịp hỏi Tổng giám đốc Lữ Thành Long về ý nghĩa của tên gọi “MISA”. Nhưng dù đúng hay không thì trong thâm tâm tôi vẫn cho rằng MISA là tên gọi con Gấu Nga biểu trưng cho chủ nhà của Olympic Moskva 1980.  Năm ấy, tôi mới bước qua tuổi “nhi lập” tức là đang ở độ tuổi sung sức nhất nên ấn tượng về con gấu MISA thật mạnh mẽ, lại vào lúc Liên Xô còn đang là biểu tượng của sức mạnh… như gấu. Vào năm ấy, anh bạn Tổng giám đốc MISA chắc còn trẻ (con) lắm và nhiều thành viên của MISA chắc còn ở tận đẩu tận đâu!?


Nhà sử học Dương Trung Quốc

        Cho đến nay, thú thật tôi cũng chưa biết nhiều về công việc kinh doanh của MISA ngoài một vài lần được chứng kiến người đứng đầu doanh nghiệp này nhận một số giải thưởng liên quan đến công nghệ tin học. Rồi sau này, qua tờ “Tre làng” tôi biết đến một số sản phẩm mang lại danh tiếng cho thương hiệu MISA. Đó là những phần mềm kế toán rất đa dạng và luôn theo kịp với nhu cầu của đời sống kinh tế trong nước cũng như phấn đấu tiếp cận trình độ tiên tiến của công nghệ tin học thế giới với một mục tiêu tưởng chừng rất khiêm nhường “Phần mềm phổ biến nhất”.  Phổ biến nhất có nghĩa là nhiều người sử dụng nhất, lại cũng có nghĩa là dễ sử dụng nhất và có hiệu quả nhất. Đó là tất cả những gì được coi là lý tưởng cho một sản phẩm hàng hoá
        Lần đầu đến MISA từ một lời mời gián tiếp qua một người bạn. Tôi nhận lời chỉ vì một lẽ đơn giản như ở đầu bài viết tôi đã nói tới. Tôi muốn xem “con gấu MISA” nó ra sao khi hai chữ “Liên Xô” đã đi vào quá khứ. Thời buổi này, thời thượng  phải là những tên Mỹ chính hiệu (“Star” – ngôi sao, “Dream” – ước mơ, hay “Cali”, hay gì gì đó…). Và lần đầu gặp MISA lại là một bữa gala -dinner “tự biên tự diễn” nhân tổng kết một năm làm việc.
        Hôm đó, tôi được hưởng một cuộc vui “dễ lây”. Không khác nhiều với những gì tôi đã gặp ở những doanh nghiệp như LILAMA (một đại gia  nhà nước của ngành cơ khí – lắp máy) hay ở X.Q (một doanh nghiệp đầy cá tính từ ông chủ truyền cho các nghệ nhân ngành thêu chất lượng cao), ở FPT (một ông lớn trong giới doanh nghiệp nhưng chấp nhận những nét rất hồn nhiên của con trẻ trong tính cách hơn người) v.v… Còn  ở MISA tôi  lại thấy rất rõ cái tính cộng đồng chấp nhận cá tính nhưng đồng thuận cao cho một mục tiêu chung.


Nhà sử học Dương Trung Quốc trong Lễ tổng kết năm 2005 của MISA

        Nhưng cũng từ những cuộc vui như vậy tôi nhận ra những gì sẽ ảnh hưởng đến những sản phẩm của doanh nghiệp. Cái quyết định để mang lại cho các sản phẩm chất lượng vượt trội chính từ cái văn hoá toát lên trong các hoạt động ngoài dây chuyền sản xuất. Một cuộc thi sáng tạo nhưng lấy yếu tố kỳ cục trên lĩnh vực thời trang mà tôi chứng kiến trong đêm gala làm quen ấy giúp tôi nhận ra rằng sự sáng tạo ra cái kỳ cục có khi lại nhiều sức sống và triển vọng hơn cả cái đẹp đã đi vào khuôn mẫu. Một cách uống ruợu “kiểu MISA” rất gần với cách uống của những dân tộc ít người, với cái vòng tay giao lưu nồng nàn nhưng có khoảng cách cho thấy ý thức về điểm dừng cho mọi sự phá cách cần có cho sáng tạo. Không khí cởi mở, thân thiện và hết mình mà tôi cảm nhận được từ trong buổi tiếp xúc đầu tiên ấy khiến tôi dễ dàng nhập cuộc và tôi hiểu ra rằng đó cũng chính là điều mà MISA đang hướng tới những khách hàng sử dụng sản phẩm của mình…


Nhà sử học Dương Trung Quốc
uống rượu kiểu MISA cùng nhân viên MISA

        Với MISA, tôi tiếp xúc chủ yếu với những sinh hoạt cộng đồng ngoài sản xuất kinh doanh và chuyên môn, đương nhiên và chủ yếu là vào những dịp vui vẻ, những bữa nhậu chung toàn cơ quan vào những dịp có đủ lý do để vui và để nhậu. Nhưng tôi hiểu rằng họ chỉ vui thực sự khi nào những ý tưởng của họ thành đạt. Văn hoá đối với doanh nghiệp nó quan trọng như vậy. Nó vừa là mục tiêu lại vừa là động lực.
        Tôi biết rằng nếu chỉ dừng bài viết ở đây, các bạn MISA có thể trách tôi là người hời hợt. MISA đâu chỉ có ăn nhậu, hát hò, vui chơi. MISA là cật lưc lao động sáng tạo và cạnh tranh. MISA phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được hôm nay v.v… Nhưng tôi lại hiểu rằng có viết nữa cũng vậy thôi. MISA rất quan tâm đến những vấn đề cao xa như triết lý kinh doanh, xây “đạo”, tìm chữ… mà văn hoá của mọi doanh nghiệp đều muốn vươn tới. 
        Nhưng cái triết lý cao nhất, cái văn hoá hoàn mỹ nhất thì vẫn trở về với một điều rất đơn giản là: sự hài lòng với cuộc sống. Sự hài lòng được hiểu không phải là sự thoả mãn trong huởng thụ mà chính là sự hạnh phúc trong lao động và sáng tạo. Nhìn con nguời, doanh nghiệp biết chơi thì sẽ biết rằng con người ấy, doanh nghiệp ấy biết làm. Cho dù MISA mang nghĩa gì cũng thế, còn tôi vẫn nghĩ về một con gấu vạm vỡ sức mạnh và tinh nghịch một cách thông minh. 
        Đây là cảm nhận của tôi về Văn hoá MISA. Đó là tôi chưa bình đến vị Tổng giám đốc có khuôn mặt rất hiền nếu không có một bộ râu tóc rất… ngầu. Hẹn Xuân sang năm sẽ viết tiếp…

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không