Mùa đông năm 1812, cuộc chinh phạt nước Nga của Napoleon đã thất bại thảm hại vì lý do “logistics”. Hết lương thực, không chỗ trú chân, thiếu ánh lửa hồng trong mùa đông khắc nghiệt của nước Nga, quân đội của Napoleon không còn cách nào khác là rút chạy.
Còn đối với Alexander Đại đế, hậu cần (logistics) là một mảng vô cùng quan trọng. Với ông “người làm logistics cần biết rằng nếu chiến dịch của tôi thất bại, họ sẽ là người đầu tiên bị xét xử”.
Hai câu chuyện lịch sử này cho ta thấy vai trò tối quan trọng của chuỗi cung ứng (Supply Chain hay “logistics” theo cách hiểu thông thường) đối với 2 vị tướng lừng danh trên dù cụm từ chuỗi cung ứng chưa hề tồn tại vào thời của hai ông. Và ngày nay, chuỗi cung ứng càng thể hiện vai trò quan trọng đối với thành công của các doanh nghiệp.
Chuỗi cung ứng là gì và đóng vai trò ra sao?
“Bạn có biết hành trình mà một đôi giày đã trải qua để đến với người tiêu dùng?”, chị Quyên, Giám Đốc Điều Hành của Supply Chain Council, chia sẻ. “Hành trình đó là sự phối hợp của biết bao khâu, từ nhà cung cấp nguyên vật liệu (vải, keo, chỉ…), các nhà máy gia công may giày trên khắp thế giới, các đơn vị vận chuyển, các cầu cảng nơi đôi giày đó được “nhập cảnh”, đoàn xe vận chuyển, máy bay, tiếp đến là các trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ và cuối cùng mới đến tay bạn, người tiêu dùng. Đó là một chu trình khép kín, hoàn toàn được “can thiệp” bởi chuỗi cung ứng (Supply Chain)”.
Ví dụ đơn giản này cho ta thấy vai trò cực kỳ quan trọng của chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp. Quản lý chuỗi cung ứng gắn liền với hầu như tất cả các hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, từ việc hoạch định và quản lý quá trình tìm nguồn hàng, thu mua, sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu thô, quản lý hậu cần… đến việc phối hợp với các đối tác, nhà cung ứng, các kênh trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Nói chung, quản lý chuỗi cung ứng gồm quản lý cung và cầu trong toàn hệ thống của các doanh nghiệp. Nhờ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, những tập đoàn tầm cỡ thế giới như Dell và Wal-Mart đạt được từ 4% – 6% lợi nhuận cao hơn so với đối thủ, một lợi thế cạnh tranh không nhỏ tí nào.
Rõ ràng yếu tố cơ bản để các doanh nghiệp cạnh tranh thành công ngày nay là sở hữu được một chuỗi cung ứng trội hơn hẳn các đối thủ. Nói cách khác quản trị chuỗi cung ứng không còn là một chức năng thông thường của các công ty mà đã trở thành một bộ phận chiến lược của công ty.
Cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng
Chỉ 10 năm trước đây, cụm từ “chuỗi cung ứng” rất hiếm khi được các nhà quản trị sử dụng. Họ thường dùng các cụm từ “logistics” hay “vận tải” để mô tả dòng chảy hàng hoá. Các chức danh như Giám Đốc Logistics, Giám đốc Phân Phối, Giám đốc Vận Tải là những cụm từ ít ỏi mô tả những người làm trong lĩnh vực logistics.
Thế nhưng xu hướng toàn cầu hoá ngày nay, đặc biệt là tiến trình hội nhập với thế giới sau khi gia nhập WTO, đã khiến cho Việt Nam trở thành một trong những ngôi sao sáng về hoạt động chuỗi cung ứng. Trung Quốc đã và đang là chiếc nôi hàng đầu về hoạt động chuỗi cung ứng. Thế nhưng ngày nay vị thế này đang dần chuyển dịch sang Việt Nam vì môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng và chi phí lao động cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Xu hướng kinh doanh toàn cầu hóa càng nâng cao vai trò quan trọng của việc điều hành chuỗi cung ứng. Tại các tập đoàn lớn, những người quản lý chuỗi cung ứng thường báo cáo trực tiếp cho các CEO. Thậm chí các tổng giám đốc (CEO) của các công ty lớn thường xuất thân từ ngành Supply Chain. Điều này chứng tỏ các công ty xem trọng chuỗi cung ứng của mình như thế nào.
Vì vậy chuỗi cung ứng tuy còn là một cụm từ khá mới mẻ ở Việt Nam, lĩnh vực này đang mang đến rất nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với nhiều khả năng thăng tiến cho các bạn trẻ.
Anh Phạm Ngọc An, Trưởng phòng cung ứng của Công ty Friesland Foods Dutch Lady Vietnam, chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp trong hoạt động chuỗi cung ứng “Bạn có thể phát triển nhiều nghề nghiệp đa dạng trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng như trở thành chuyên viên dự báo nguồn hàng, hoạch định và điều phối nguồn nguyên vật liệu, lên kế hoạch sản xuất, quản lý hàng tồn kho, quản lý dự án, kho bãi, vận chuyển, xuất nhập khẩu, mua hàng…Lĩnh vực này dành cho bạn rất nhiều cơ hội thăng tiến nếu bạn thực sự đam mê và muốn trở thành một nhà hoạch định chiến lược của doanh nghiệp.”
Theo Vietnamworks
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông