Kiến thức Tuyển dụng Nghề trợ lý báo chí

Nghề trợ lý báo chí

12
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamBạn là người năng động? Bạn thích xây dựng mối quan hệ với mọi người và bạn có khả năng viết tốt? Bạn thích gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao và các học giả uyên bác? Bạn mơ ước một công việc hấp dẫn và thu nhập cao? Nếu bạn hội đủ những yếu tố đó, “trợ lý báo chí” có thể là lựa chọn đúng đắn cho sự nghiệp của bạn. Vậy “trợ lý báo chí” là nghề gì?
“Trợ lý báo chí” chính là người cung cấp thông tin một cách khách quan, trung thực cho các nhà báo. Trong quá trình xây dựng sự hiểu biết đúng đắn từ công chúng về hoạt động của mình, bất kỳ công ty hay tổ chức nào cũng cần thiết lập và phát triển mối quan hệ với các cơ quan báo chí. Trọng trách này được giao cho người cán bộ trợ lý báo chí.
Điều kiện tiên quyết: Kinh nghiệm làm báo
Ở đa số các tổ chức hay doanh nghiệp, vị trí trợ lý báo chí thường đòi hỏi có kinh nghiệm làm báo, ít nhất là hai năm. Lý giải về sự cần thiết của kinh nghiệm làm báo, anh Phạm Trọng Thức, chuyên gia thông tin Đại sứ quán Mỹ cho biết, điều này rất quan trọng vì khi trải qua nghề báo, người trợ lý báo chí mới có thể hiểu được suy nghĩ của các nhà báo, biết họ cần những thông tin gì để mình cung cấp và cũng xác định được nên cung cấp những thông tin gì về tổ chức cho họ.
“Thực tế cho thấy, những người chưa có hoặc ít kinh nghiệm làm báo thì khi bắt tay vào công việc sẽ gặp khó khăn và dễ mắc sai sót hơn so với những người có kinh nghiệm. Tôi nghĩ công việc này không thích hợp lắm với những người mới ra trường”, anh Thức nói thêm.
Bản thân anh Phạm Trọng Thức đã có thâm niên bốn năm công tác tại Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam trước khi trở thành cán bộ trợ lý báo chí tại Đại sứ quán Hoa Kỳ từ năm 1999.
Cùng quan điểm đó, chị Nguyễn Mỹ Hằng, cán bộ truyền thông văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khẳng định: “Người trợ lý báo chí nên có kinh nghiệm làm báo, nếu không thì nhiều khi sẽ không biết cung cấp thông tin như thế nào”.
Tại JICA, do đặc thù tuyển dụng nhân viên rộng rãi rồi sau đó mới phân công cụ thể về các bộ phận, công việc khác nhau trong cơ quan nên những người làm công tác truyền thông như chị Hằng thường ít có kinh nghiệm làm báo.
Chị cho biết các nhân viên phụ trách truyền thông tại văn phòng đã tự mình cố gắng rất nhiều để hoàn thiện các kỹ năng làm báo như viết tin, bài. Bên cạnh đó, JICA cũng rất quan tâm trong vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhân viên. Năm 2006, văn phòng JICA đã mời một cố vấn cao cấp về PR và truyền thông đến tập huấn nghiệp vụ cho các trợ lý báo chí.
Công việc hấp dẫn, thu nhập cao
Chia sẻ suy nghĩ về công việc, anh Thức hồ hởi: “Công việc này thú vị lắm. Trong quá trình làm việc được tiếp xúc với nhiều quan chức cao cấp, các học giả uyên bác. Làm công việc này, tôi được đi du lịch nhiều, không quá vất vả mà thu nhập tốt. Điều quan trọng nhất là qua công việc tôi thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích cho bản thân”.
Trong thang bậc thu nhập xã hôi, người trợ lý báo chí được hưởng một mức lương khá cao. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là của nước ngoài, sẵn sàng trả từ 1.000 đến 2.000 USD cho vị trí này, nhằm mục đích tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tại nhiều tập đoàn, sự thăng tiến trong công việc trợ lý báo chí diễn ra rất nhanh chóng. Người trợ lý báo chí có thể tiến tới vị trí cao nhất là PR officer, chức vụ thường do một Phó Chủ tịch đảm trách, chỉ trong vòng vài năm.
Ở các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức quốc tế cũng có lộ trình thăng tiến cho công việc trợ lý báo chí, tuy nhiên thời gian thường dài hơn so với ở các công ty, tập đoàn.
Anh Phạm Trọng Thức cho biết tại các cơ quan đại diện như Đại sứ quán Hoa Kỳ, để tiến tới vị trí chuyên gia báo chí cao cấp, người trợ lý báo chí có thể phải mất 15 đến 20 năm.
Sinh viên mới tốt nghiệp vẫn có cơ hội
Khẳng định công việc trợ lý báo chí không dành cho những người mới tốt nghiệp, song anh Thức cũng nói thêm những bạn trẻ có năng lực và thực sự yêu thích công việc này có thể “đi đường vòng”. “Các bạn có thể bắt đầu từ một vị trí trợ lý cấp thấp như người dịch tin, bài hoặc khảo sát, thu thập số liệu, sau đó, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước rồi dần dần vươn lên”, anh nói.
Theo anh Thức, trong một số trường hợp, có những việc như tổ chức họp báo, viết thông cáo báo chí, những người phụ trách chính bận đi công tác có thể giao cho người cấp thấp hơn làm và đó là cơ hội để những người dịch tin hay khảo sát thông tin thể hiện năng lực. Với những người có năng lực thực sự thì đây là dịp may để tỏa sáng và được cấp trên thừa nhận, cất nhắc lên những vị trí cao hơn.
“Để thành công trong nghề trợ lý báo chí cũng như bất cứ công việc nào khác, các bạn trẻ cần năng động, tự xây dựng quan hệ và quảng bá bản thân. Có những sự việc rất vô tình thôi rồi mang lại sự nghiệp cho mình. Theo tôi, các bạn cần chủ động tìm đến công việc chứ không nên đợi công việc đến với mình. Cần trải qua nghề báo để hiểu nhà báo”, anh đúc kết.

Theo TTO

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không