MISA 15 năm tuổi! Đi trọn con đường 15 năm qua chắc giờ chỉ có sếp Tổng, sếp Phó. Tôi không có vinh dự để biết MISA lâu như thế, nhưng cũng đủ để bây giờ nhìn lại, thì thấy mọi nhiệt huyết trai trẻ của tôi và các đồng nghiệp đã đổ dồn vào đồng hành cùng MISA. Nhìn lại đoạn đường mình đã đi tôi càng thấm thía những bài học, những trải nghiệm quý giá mà tôi biết, nếu ở một nơi nào khác, tôi không bao giờ có cơ hội trải qua.
Nhớ ngày mới vào, công ty toàn những người trẻ tuổi, trẻ lòng. Lập trình thì đêm ngày miệt mài với chuột, bàn phím. Anh em Kinh doanh chúng tôi thì miệt mài, kiên trì “vạch đất cắm dùi” với vô vàn khó khăn, thách thức. Có những chuyến đi khai mở thị trường cũng gian nan không kém người đi “khai hoang lập ấp”.
Để trưởng thành, người ta luôn cần những vấp váp, những bài học. Dù nhiều thăng trầm đã qua đi, nhưng bài học đầu tiên bao giờ cũng sâu sắc nhất. Những trải nghiệm gian nan ban đầu, bao giờ cũng quý giá nhất. Một trong những chuyến đi triển khai đầu tiên tại MISA đã cho tôi những điều đó.
Vào một ngày thu năm 2006 tôi cùng đồng nghiệp Lê Hồng Quang, nay là Trưởng phòng Kinh doanh Hành chính Sự Nghiệp – MISA VP Hà Nội, đến với một huyện miền núi phía Tây Bắc thuộc tỉnh Sơn La, cách huyện Sông Mã 35 km. Khởi hành lúc 5h30’, đến 13h chúng tôi mới tới được thị xã Sơn La. Chặng đường tiếp theo về huyện Sông Mã mới thực là gian nan. Đường đang thi công nên chúng tôi thường xuyên phải dừng lại chờ san lấp, nổ mìn mở rộng đường đi. Tới địa phận huyện Sông Mã đã là 8h30’ tối, chúng tôi phải nghỉ lại để hôm sau tiếp tục hành trình “lên thị trấn”. Là huyện vùng cao với núi non hiểm trở, người dân lên huyện thường đi xe ngựa và xe máy. Nếu có đi ô tô lên thì cũng không đi được vì lúc đó chưa có đường dành cho ô tô. Tôi và Quang quyết định thuê một chiếc xe ôm, kẹp ba để lên trên huyện vì thuê hai xe đi thì sợ bị cướp đường nguy hiểm (lúc đó hai anh em mang theo một số tiền khá lớn dành cho chuyến công tác). Tìm mãi hai anh em cũng gặp được một anh lái xe ôm với có một chiếc Win “made in China” lọc xọc đồng ý chở chúng tôi lên huyện làm việc. Chuyến đi khởi hành lúc 7h sáng, mặc dù chỉ có 35km vậy mà phải mất hơn 4h chúng tôi mới lên tới được thị trấn. Những vất vả trên đường có lẽ không cần nói tới, vì quan trọng nhất là hai anh em cũng đến được Ủy ban Nhân dân huyện.
Tiếp chúng tôi là anh Trưởng phòng và một anh nhân viên của Phòng Tài chính. Anh nhân viên rất xởi lởi trò chuyện và tỏ ra rất quan tâm tới phần mềm kế toán MISA. Gặp được người quan tâm đến phần mềm của MISA như vậy, tôi và Quang mừng lắm, chúng tôi hào hứng chắc mẩm mọi thứ sẽ suôn sẻ, thành công đã trong tầm tay. Cả hai chúng tôi miệt mài giới thiệu rồi trò chuyện với anh nhân viên suốt cả buổi chiều mà quên luôn sự có mặt của anh Trưởng phòng. Kết thúc buổi trò chuyện, đồng chí Trưởng phòng đã thẳng thừng từ chối ký hợp đồng với chúng tôi mà chẳng cần nói lý do.
Lại leo lên chiếc Win của anh xe ôm quay trở về mà chúng tôi không hết băn khoăn. Không lẽ chỉ vì lý do chúng tôi đã không nhiệt tình trò chuyện??? Hai anh em chẳng nói nhiều nhưng đều ngầm hiểu rằng mình đã mắc một lỗi lớn trong giao tiếp với khách hàng. Đến lúc đó chúng tôi mới hiểu việc không quan sát và bỏ qua những tình tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng trong công việc của mình.
Bỏ cuộc ư? Không! Chúng tôi không hề nghĩ thế. Chúng tôi đã thấy được thiếu sót của mình, đã có bài học. Thế nên cần phải làm gì đó để sửa chữa. Tôi và Quang quyết tâm sẽ trở lại huyện miền núi xa xôi kia, với lòng tin, với tấm lòng chân thành rằng chúng tôi sẽ lấy lại được lòng tin của khách hàng và trên hết chúng tôi tin rằng, dù ô tô không đến được thị trấn huyện thì phần mềm MISA vẫn phải “vạch đất cắm dùi” ở đó, hỗ trợ người làm kế toán để họ bớt đi được phần nào sự vất vả nơi vùng cao này.
Về đến Hà Nội, tôi liền gọi điện cho anh Trưởng phòng Tài chính, thừa nhận thiếu sót của mình và chân thành trò chuyện, giới thiệu và chứng minh những ưu việt của phần mềm MISA. Thế rồi tôi đã nhận lại được sự thiện cảm từ phía anh. 15 xã ký hợp đồng chuyển giao phần mềm – đó là thành công của chúng tôi tại huyện miền núi heo hút đó!
Anh Phạm Văn An (Hàng 2, thứ 3 từ phải sang) trong Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty (2004)
Chúng tôi vô cùng vui mừng và hào hứng bắt đầu một chặng đường dài lên huyện Sông Mã để triển khai. Trước mắt chúng tôi không phải là quãng đường dài gian nan nữa mà là hình ảnh lớp đào tạo học viên đang chờ đón. Không nhà nghỉ, chúng tôi đi ở nhờ nhà công vụ; không nước tắm, chúng tôi đi tắm ở suối; không nước sạch, chúng tôi mua nước đóng chai để đánh răng rửa mặt và tiết kiệm từng chút một; không sóng điện thoại để liên lạc nhưng chúng tôi tràn đầy niềm tin. Tất cả các kế toán viên khi đến với khóa tập huấn của chúng tôi, kiến thức về máy tính và phần mềm kế toán của họ gần như là con số 0 tròn trĩnh, nhưng sau 5 ngày miệt mài tập huấn, họ đều biết sử dụng phần mềm MISA trong việc lập báo cáo, niềm vui đó đủ để xóa tan mọi mệt mỏi và khó khăn. Khi ra về, họ còn bắt tay hai anh em chúng tôi thật chặt, liên tục cảm ơn chúng tôi và hẹn ngày gặp lại.
Cho đến bây giờ, chuyến đi đó vẫn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi, không phải vì những hợp đồng mà tôi và Quang đã giành được, mà hơn hết, đó là bài học về kinh doanh, về giao tiếp ứng xử, về việc xác định mục tiêu của mình và cũng là những nguyên tắc tiếp xúc với khách hàng mà tôi luôn tâm niệm sau này.