Ngày nay thuật ngữ “Soft skills” (dịch nôm na là “kỹ năng mềm”) ngày càng phổ biến trong đời sống văn phòng. Vậy soft skills là gì và người tìm việc có thể trình bày các kỹ năng mềm này như thế nào trong hồ sơ xin việc?
Soft skills mô tả những đặc tính riêng về tính cách của người xin việc như sự duyên dáng trong giao tiếp, sự thân thiện và tinh thần lạc quan. Soft skills bổ trợ cho “hard skills”, là những kỹ năng chính nhà tuyển dụng yêu cầu ở ứng viên.
Soft skills ngày càng được đánh giá cao. Rất nhiều nhà tuyển dụng xem trọng những kỹ năng thiên về tính cách này và xem đây là một trong những yêu cầu tuyển dụng quan trọng.
Một số soft skills bạn có thể nêu trong hồ sơ xin việc của mình là:
Khả năng làm việc theo nhóm
Khả năng làm việc theo nhóm được đánh giá cao trong công tác tuyển dụng. Rất nhiều nhà tuyển dụng cho rằng sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm giúp nâng cao chất lượng thực hiện một dự án chung.
Một người biết lắng nghe, hợp tác và sẵn sàng giúp đỡ người khác là người có khả năng làm việc theo nhóm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Sự linh hoạt trong công việc
Hãy chứng tỏ bạn là người linh hoạt trong công việc và có thể quản lý tốt nhiều việc cùng lúc. Linh hoạt trong công việc có nghĩa là bạn có khả năng thay đổi theo yêu cầu của công việc: ví dụ khả năng thích nghi với thời hạn phải hoàn thành ngắn hơn; hay giải quyết một khối lượng công việc lớn hơn so với kế hoạch ban đầu. Hãy thể hiện bạn sẵn sàng đảm trách một công việc mới, thách thức hơn và có thể làm tốt một công việc được giao khi thời hạn hoàn thành công việc này thay đổi.
Tính cẩn thận tỉ mỉ
Chứng minh được tính cẩn thận có nghĩa là bạn có thể làm việc không cần sự giám sát thường xuyên của sếp và có thể làm việc độc lập.
Năng động
Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao nhân viên có thể đưa ra ý kiến riêng của mình và theo đuổi thực hiện ý tưởng này cho đến khi thành công. Hãy chứng tỏ tính năng động của bạn như sẵn sàng làm thêm việc không thuộc phạm vi công việc được giao và làm việc hết mình không phải vì lợi ích nhận được mà vì bạn cảm thấy vui thích khi thực hiện công việc đó.
Theo Vietnamworks
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông