Chính sách trong nước cần ổn định

60
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamĐang xuất hiện làn sóng lạc quan đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Mỹ vừa công bố. Liệu đây có là cơ hội tốt để doanh nghiệp tận dụng gia tăng đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới?
Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, thị trường Việt Nam xuất hiện một lượng không nhỏ tôm thẻ chân trắng nhập khẩu từ Thái Lan. Giới trong nghề đặt ra câu hỏi: tại sao điều kiện khí hậu nuôi trồng không vượt trội; khi nhập về Việt Nam tôm thẻ Thái phải “quá cảnh” Campuchia, tốn thêm nhiều chi phí… mà vẫn rẻ hơn tôm nuôi trong nước tới trên dưới 1 USD/kg? Không chỉ mua tôm thẻ Thái Lan, hiện nay hầu hết doanh nghiệp trong ngành tôm còn nhập khẩu tôm thẻ từ Ấn Độ có giá rẻ hơn từ 1 – 2 USD/kg để chế biến xuất khẩu.
Thua vì nguyên liệu
Trước thực tế trên, ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty Thuận Phước, Đà Nẵng, một doanh nghiệp miền Trung, nơi được xem là có sản lượng nuôi tôm thẻ lớn nhất cả nước cho rằng: “Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không thể cạnh tranh lại với Thái Lan, Ấn Độ, hay ngay cả Pakistan tại thị trường Mỹ”. “Thị trường Mỹ (đứng sau EU về nhập khẩu tôm Việt Nam), với gói kích thích kinh tế vừa công bố dự báo sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng. Cơ hội này chia đều cho tất cả các nước, nhưng lợi thế vẫn nghiêng về quốc gia nào có giá thành nuôi tôm rẻ hơn”, ông Lĩnh nói thêm.
Hiện nay, doanh nghiệp Ấn Độ, Thái Lan đang xuất tôm thẻ chân trắng nguyên con vào Mỹ rẻ hơn 2 – 3 USD so với các nước. Còn Việt Nam, lâu nay vẫn được ví là “vương quốc” nuôi tôm sú thì gần đây nhà nhập khẩu Mỹ có thể mua tôm sú từ Pakistan rẻ hơn 3 – 4 USD/kg.
Do phụ thuộc hoàn toàn vào con giống, chất phụ gia nuôi trồng, chế biến và thức ăn nhập khẩu nên giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao. Chỉ tính riêng hai loại nguyên liệu chế biến thức ăn tôm sử dụng nhiều nhất là đậu nành, bột cá nhập khẩu, thì giá đã tăng tới 30 – 60% từ đầu năm đến nay. Trong khi Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan chủ động được hai loại này do có chiến lược trồng đậu nành, đánh bắt hải sản làm bột cá, thì Việt Nam phải nhập 100%.
“Chúng ta đang nhập 100% giống tôm thẻ từ Thái Lan, 90% chất phụ gia chế biến tôm thành phẩm từ Thái Lan thì làm sao cạnh tranh lại với doanh nghiệp xuất khẩu của nước họ được”, ông Lĩnh nói.
Tám tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu trên 254 triệu USD cá tra, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Song ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) lo ngại rằng tình trạng đưa hàng vào Mỹ với giá thấp dễ dẫn tới nguy cơ bị áp thuế chống phá giá. Tôm sú và cá tra là hai mặt hàng vẫn đang trong diện bị kiểm soát thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Ngoài ra, cá tra xuất vào Mỹ đang đụng độ cá rô phi Trung Quốc. Một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc có thể bán cá rô phi giá 3 – 3,5 USD/kg như cá tra mà vẫn có lời nên cá tra không được coi là loại thực phẩm giá rẻ tại thị trường Mỹ nữa.
Mong chính sách ổn định
Theo bộ Công thương, xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ hiện đang có chuyển biến tích cực khi kim ngạch tháng 8 ước tăng trên 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản kỹ thuật khi vào Mỹ chính là kiểm tra hoá chất, bảo hộ mậu dịch… Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá, có thể sang năm, tình hình xuất khẩu dệt may sẽ sáng hơn, nhưng vấn đề là thị trường Mỹ được ví như miếng bánh ngon của tất cả các quốc gia như Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Malaysia… kể cả Trung Quốc chứ không riêng gì Việt Nam… Ngoài ra, ông Hồng cũng cho rằng, một khi hàng tỉ USD tung ra thị trường, nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ làm đội giá nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, “Nếu tính đầy đủ mức tăng chi phí từ đầu năm 2012 đến nay, doanh nghiệp đang phải làm hàng xuất khẩu với mức giá thấp hơn 7 – 10% so với cùng kỳ”, ông Hồng tính toán.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp đồ gỗ nội thất, việc phải cạnh tranh với ngay những đối thủ đến từ Trung Quốc, Đài Loan hay Malaysia đầu tư mở xưởng ngay tại Việt Nam đã khó chứ đừng nói đến xa hơn là thị trường Mỹ. “Họ vào Việt Nam mở xưởng làm hàng xuất khẩu vào Mỹ, chi phí lãi suất vay ở nước họ chỉ khoảng 2 – 3%/năm, còn doanh nghiệp Việt Nam phải vay 10, 15, thậm chí là hơn 20%/năm”, bà Ngô Thị Hồng Thu, phó tổng giám đốc công ty gỗ Trường Thành nói. Chính vì vậy, theo bà Thu, doanh nghiệp Việt Nam thường phải chào giá cao hơn mới có lãi nên chỉ giành được hợp đồng nhỏ, hoặc sản phẩm mà doanh nghiệp nước ngoài không làm được.
Nguyên liệu, điện, nước, lương nhân công, đặc biệt là lãi suất – yếu tố liên quan đến chính sách tác động trực tiếp lên giá thành đầu vào, theo doanh nghiệp cần phải ổn định, trước khi muốn nói đến tận dụng cơ hội xuất khẩu từ những thay đổi chính sách bên ngoài. Theo bà Ngô Thị Hồng Thu, vài năm trở lại đây, các chính sách có lợi (như giảm lãi suất) thường đi sau khi các doanh nghiệp trong nước đã chết lên chết xuống. “Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hạ lãi suất. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã vay được lãi suất thấp, nhưng hạn mức tín dụng lại bị bóp lại và điều kiện vay phải có tài sản thế chấp. Bây giờ nói rằng thị trường Mỹ tốt lên, nếu doanh nghiệp ký đơn hàng xuất khẩu cần 1.000 tỉ đồng vốn, liệu ngân hàng có giải ngân không”, bà Hồng Thu đặt vần đề.

Theo Hoàng Bảy – Bích Thủy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không