Song hành với xu hướng lạm dụng vốn quá mức thì hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang bị mắc bệnh sử dụng hệ số đòn bẩy tài chính quá cao.
Các nhà quản lý và giới phân tích hết sức bất ngờ trước tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của 8 tháng qua chỉ ở mức 1,4% – 1,6%, nhất là khi chứng kiến tỷ lệ này lên tới hàng chục phần trăm mỗi năm kể từ 2008 đến nay trong khi tăng trưởng huy động vốn trên 10%.
Vấn đề này đã trở thành tâm điểm tại Diễn đàn “Kết nối ngân hàng – Doanh nghiệp: cơ hội nguồn vốn cuối năm 2012” do Báo Diễn đàn doanh nghiệp, VCCI, Hiệp hội ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Phương Đông tổ chức.
Vào nhiều, ra ít!
Theo tiến sĩ Nguyễn Đại Lai (hiện công tác tại Trung tâm thông tin tín dụng – CIC, thuộc Ngân hàng Nhà nước), một trong những nút thắt cần tháo gỡ hiện nay là sự tắc nghẽn trong lưu chuyển tiền tệ. Mặc dù tính đến tháng 6/2012 so với 31/12/2011, M2 tăng 7%; tổng huy động vốn tăng 10,26% (tài liệu phục vụ phiên họp chính phủ tháng 8/2012 đưa ra là 11,23% – PV) nhưng tín dụng chỉ tăng 1,4% – 1,6%.
“Cần phải xem lại luồng tiền đi vào bên tài sản có của các tổ chức tín dụng như thế nào, cơ cấu cụ thể đối với tín dụng, đầu tư tài sản tài chính và đặc biệt là “khoản phải thu khác” là bao nhiêu…”, ông Lai nói.
Ông cho rằng, với đà tín dụng tăng thấp như vậy, trong khi quỹ thời gian của năm chỉ còn lại 4 tháng, sẽ không thể nào hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 8% – 10% vì những lý do sau:
Một, với quy mô tín dụng cả nền kinh tế khoảng 2,75 triệu tỷ đồng thì mỗi phần trăm tương ứng khoảng 27.500 tỷ đồng. Do đó, nếu một tháng tăng 2% dư nợ, tương ứng tăng 55 nghìn tỷ đồng (chưa tính số tiền đáo hạn nợ thu về trả cho người gửi sẽ được đầu tư qua các kênh khác); cộng với kênh đầu tư từ ngân sách ước tính 22 nghìn tỷ đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng nền kinh tế phải ngốn khoảng 77 nghìn tỷ đồng và đó là điều không thể, ngoại trừ chấp nhận lạm phát để cố hoàn thành chỉ tiêu.
Hai, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp quá thấp. Với kết quả tăng trưởng tín dụng cả 8 tháng chỉ 1,4% – 1,6%, đã cho thấy, phần lớn tín dụng bơm ra chủ yếu để trả nợ cũ, đảo nợ. Và phía sau là sự trì trệ của nền kinh tế thông qua năng lực hấp thụ vốn thấp. Có thể thấy rõ điều này thông qua sức mua giảm sút, cung hàng hóa lớn hơn cầu; chất lượng khách hàng vay thấp, khiến cho tổ chức tín dụng không tìm được địa chỉ để bán vốn.
Liên quan đến vấn đề tín dụng tăng thấp, chuyên gia Lê Văn Hinh (hiện công tác tại Trung tâm đào tạo Ngân hàng Nhà nước) đặt vấn đề một cách khá “ý tứ”: “Các nhà gồm: nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, nên thay đổi cách ứng xử với đồng vốn theo cách cẩn trọng, nhằm hướng tới sự tăng trưởng bền vững, tăng trưởng kinh tế không thể dựa vào vốn như lâu nay”.
Theo ông Hinh, trong khi tích lũy nội bộ chỉ 30% – 32% GDP thì tổng đầu tư xã hội tới 40% – 45% GDP (trong đó đầu tư nhà nước chiếm 40% tổng đầu tư xã hội). Rõ ràng, cán cân “tiết kiệm – đầu tư” luôn trong tình trạng âm tới 15% GDP đã cho thấy nền kinh tế luôn thiếu vốn và phản ánh vào bức tranh tiền tệ – ngân hàng.
Song hành với xu hướng lạm dụng vốn quá mức thì hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang bị mắc bệnh sử dụng hệ số đòn bẩy tài chính quá cao.
Khảo sát từ 647 doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo giá trị sổ sách là 1,53 lần (tỷ lệ này ở Mỹ là 1,2 lần, Trung Quốc 1,06 lần). Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ này là 1,71 lần mà khối này lại sử dụng tới 32,1% tổng lượng tín dụng cả nước.
Ngân hàng phải làm gì?
Không khoanh tay đứng nhìn tình cảnh tín dụng èo uột như hiện nay, nhất là khi toàn ngành đang siết lại lề lối làm ăn, một số ngân hàng thông qua việc hạ lãi suất, đang tìm cách đẩy vốn ra các địa chỉ tin cậy hơn, dù mức độ còn dè dặt và đầy cẩn trọng.
Trong tháng 8/2012, HDbank triển khai gói cho vay cá nhân mức 8,6%/năm và cho vay doanh nghiệp 9%/năm trị giá 2 nghìn tỷ đồng; Vietcombank, VIB cho vay doanh nghiệp lãi suất 9% trong 3 tháng đầu, VPBank giảm lãi suất 2% so với cho vay thông thường.
Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, OCB đang triển khai 6 sản phẩm chủ lực cho vay doanh nghiệp ngành nhựa, kinh doanh gạo, kinh doanh cà phê, cho vay doanh nghiệp “xanh sạch đẹp”, phụ nữ kinh doanh và tài trợ các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả với mức lãi suất ưu đãi: thấp hơn 1 – 1,5% (VND) và 0,5% – 1% (USD) so với các khoản tín dụng thông thường.
Tìm đúng địa chỉ, bán đúng giá vốn, đúng khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là cách làm mà một số ngân hàng đang triển khai, dù trong lòng vẫn nuối tiếc hào quang xưa kia từ các lĩnh vực “siêu lời nhưng cũng siêu lỗ” như cho vay bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán… Nhưng thà như vậy, còn hơn là biến ngân hàng thành công ty tài chính, ở chỗ, lấy tín dụng làm danh nghĩa, còn phần lớn nguồn vốn đẩy vào các lĩnh vực đầu tư rủi ro như từng xảy ra ở một số ngân hàng.
Ngoài ra, để tháo gỡ ách tắc tín dụng hiện nay, ông Nguyễn Đại Lai còn kiến nghị một số điểm sau.
Thứ nhất, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần phối hợp mở rộng thị trường theo nguyên tắc “buôn có bạn, bán có phường”; qua đó tổ chức các kênh phân phối hợp lý, kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Thứ hai, Chính phủ nên có chính sách kích cầu nhưng kích vào năng lực tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ chứ không kích vào sản xuất, nhất là khi tồn kho đang cao như hiện nay và sức mua đang giảm sút mạnh.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước nên làm đầu mối mua vốn của ngân hàng thương mại dư thừa với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước ấn định trừ đi 1% và bán lại cho ngân hàng thương mại thiếu vốn bằng hoặc xấp xỉ lãi suất tái cấp vốn cùng kỳ nhưng không cao hơn lãi suất cho vay thị trường 1, nhằm tránh hiện tượng ngân hàng “cày xới trên lưng nhau”.
Thứ tư, Nhà nước sớm xóa bỏ mọi hình thức sở hữu chéo giữa doanh nghiệp với ngân hàng, không cho tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp; không cho tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần của nhau, nhằm tránh tình trạng vốn chéo, vốn ảo đang để lại những hậu quả xấu hiện nay.
Theo Nguyễn Hoài – Hồng Thoan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông