Trong 6 tháng cuối năm 2012, hệ thống ngân hàng thương mại có nhiệm vụ trọng tâm là phải xử lý triệt để nợ xấu.
Bức tranh tương phản
Trong 6 tháng đầu năm, vấn đề nóng nhất trong lĩnh vực tiền tệ là tái cấu trúc ngành ngân hàng gắn liền với thanh khoản của hệ thống ngân hàng, áp lực tăng tỷ giá lớn. Bên cạnh đó, còn là sức ép dành cho lĩnh vực tiền tệ trong nhiệm vụ chống lạm phát…
Sau 6 tháng, câu chuyện đã khác nhiều, bởi lạm phát đã không còn là nỗi lo chính, sức ép của các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng được thay bằng sự thận trọng trong cho vay nhằm tránh nợ xấu…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận xét, những giải pháp điều hành quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước (ngân hàng nhà nước), kể cả những biện pháp hành chính gây tranh cãi, là nguyên nhân tạo nên sự thay đổi này. “Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến đang tạo một dư địa lớn hơn cho ngân hàng nhà nước trong việc sử dụng các công cụ tiền tệ trong điều hành. Việc hạ nhanh trần lãi suất huy động xuống 9%/năm là một ví dụ”, TS. Hiếu nói.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong hoàn cảnh đặc biệt thì cần những giải pháp đặc biệt và nếu xét về ngắn hạn, thì ngân hàng nhà nước đã làm tốt. Thanh khoản các ngân hàng không còn là nỗi lo lớn, lãi suất đã giảm nhanh và sự ổn định của thị trường ngoại hối giúp ngân hàng nhà nước mua vào lượng dự trữ ngoại tệ lớn, gần đạt mức kỷ lục trước đây.
Sự ổn định trở lại của thị trường tiền tệ theo hướng tích cực cũng làm giảm những mối quan ngại của giới đầu tư. Theo ghi nhận của ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm trở lại với thị trường vốn Việt Nam, khi lạm phát giảm và tỷ giá ổn định.
“Việc siết lại quy định cho vay ngoại tệ chỉ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán ngoại tệ, sử dụng linh hoạt các công cụ bơm hút tiền, truyền thông minh bạch về chính sách tiền tệ và thị trường ngoại hối đã phát huy tác dụng”, ông Hải nhận xét.
Câu chuyện mới cho 6 tháng tới
Chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm là một trong những công cụ quan trọng làm giảm nhiệt lạm phát và trong thời gian tới là hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng để làm được điều này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Đề án Tái cơ cấu ngân hàng cần phải đẩy nhanh tiến độ và trọng tâm là yêu cầu xử lý nợ xấu.
Theo báo cáo của ngân hàng nhà nước, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã lên tới khoảng 10% tổng dư nợ, với con số tuyệt đối cỡ hàng trăm nghìn tỷ đồng. “Đây chính là cục máu đông trong cơ thể, nếu không xử lý thì không thể lưu thông tiền tệ được. Phải phẫu thuật để đưa cục máu đông này ra khỏi cơ thể, chứ không thể dùng biện pháp uống thuốc để tiêu dần”, ông Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên ngành ngân hàng Việt Nam đối mặt với bài toán nợ xấu. Các nước trên thế giới sau mỗi lần khủng hoảng cũng đều phải giải bài toán này. Có những phương thức cơ bản được tổng kết để xử lý nợ xấu nhanh, như cho khoanh nợ, giãn nợ, mua nợ xấu…
Trước đây, ngân hàng nhà nước đã sử dụng biện pháp khoanh nợ, giãn nợ để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, khi mà nợ xấu chủ yếu nằm trong khối doanh nghiệpNN. Biện pháp này hiện không thể áp dụng, bởi nợ xấu nằm ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. “Giải pháp hữu hiệu nhất lúc này là thành lập Công ty Mua bán nợ xấu (AMC) như đề xuất của ngân hàng nhà nước. Đây là cách mà nhiều nước áp dụng thành công sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Tất nhiên, cần nghiên cứu thêm cách thức vận hành của AMC để phù hợp với đặc thù Việt Nam”, ông Nghĩa nói.
Chia sẻ với nhận định này, ông Phạm Hồng Hải lại nhấn mạnh thêm yêu cầu vừa phải xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, vừa phải nhanh chóng nâng chuẩn mực quản trị để đề phòng nợ xấu mới phát sinh.
Cũng theo ông Hải, nền kinh tế đang trở nên ổn định hơn, các giải pháp hành chính tức thời mà ngân hàng nhà nước áp dụng trước đó cũng cần có lộ trình dỡ bỏ, để thị trường có thể vận hành đúng quy luật và tạo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng.
Hồng Dung
Theo Báo đầu tư
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông