Khủng hoảng kinh tế khiến hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trở nên sôi động hơn. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2012 những thương vụ M&A của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh từ 20 đến 40% so với năm 2011. Tại diễn đàn Mua bán sáp nhập và kết nối đầu tư diễn ra ngày 7/6, Giám đốc điều hành VinaCapital Group, Andy Ho dự báo: “M&A năm 2012 của Việt Nam có thể tăng trưởng 20-40%.
Chỉ riêng quý I/2012 tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập đã đạt 1,5 tỷ USD, trong khi cả năm ngoái chạm ngưỡng 4,7 tỷ USD”.
Ông Andy Ho phân tích, cổ phần tư nhân là một lĩnh vực hấp dẫn cho M&A tại Việt Nam với khoảng 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thích hợp cho khoản đầu tư 5-10 triệu USD. Hiện số vụ mua bán sáp nhập tại phân khúc này đã gia tăng đáng kể vì SME dần hiểu rõ hơn về cấu trúc cổ phần tư nhân, các rào cản nhỏ đã có thể giải quyết bằng đàm phán.
Tuy nhiên, lãnh đạo VinaCapital cho rằng, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là vay nợ nhiều. Chi phí vốn vẫn còn rất cao so với các nước khác và các hoạt động M&A nội địa bị hạn chế vì những khoản nợ bằng tiền. Bên cạnh đó, nếu lạm phát không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ có nhiều rủi ro do chi phí vốn bị giữ ở mức cao và kéo dài. Mức chiết khấu cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của các doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm của các giao dịch M&A.
Đồng quan điểm với Andy Ho, Chủ tịch Công ty KPMG tại Việt Nam, John Ditty tin rằng, trong ngắn hạn và trung hạn hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị. Ngân hàng và hàng tiêu dùng tiếp tục là những ngành tâm điểm.
Thống kê của công ty KPMG, dù kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hoạt động M&A đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 4 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã có 10 thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính được thực hiện, hàng tiêu dùng là 4 thương vụ, ngành công nghiệp là 13 vụ, và bất động sản là 8 vụ.
Trong 4 tháng qua, các thương vụ M&A tiêu biểu đã tiến hành gồm: thương vụ Eximbank mua cổ phần của Sacombank với trị giá 100 triệu USD, Glico chi 35 triệu USD mua cổ phần của Kinh Đô, Kusto mua 25 triệu USD cổ phần của Cotecons, CTgroup bỏ ra 24 triệu USD để mua cổ phần của GS E&C….
KPMG nhận định, trong lĩnh vực M&A, các nhà đầu tư Châu Âu tham gia đông nhất, tiếp đó là Singapore và Nhật, tuy nhiên về giá trị thì Nhật Bản lại dẫn đầu. Ngân hàng, bán lẻ, thực phẩm, đồ uống và chăm sóc sức khỏe là các lĩnh vực sẽ diễn ra nhiều thương vụ M&A.
Tại diễn đàn, CEO Công ty Recof, Yoshimitsu Onji phát biểu: “Việt Nam đã qua mặt Indonesia và Malaysia trong thu hút M&A với doanh nghiệp Nhật Bản, nhờ văn hóa và người Việt Nam chăm chỉ và dân số trẻ”.
Theo ông Yoshimitsu Onji, hình thức hợp tác chiến lược chiếm ưu thế, nhưng gần đây 20 thương vụ giá trị lớn, có thương vụ lên đến 100 triệu USD và tập trung vào lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán. Những thương vụ 10-20 triệu USD thường được các doanh nghiệp dễ dàng quyết định mua.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, Đặng Huy Đông nhận xét, nguyên nhân hoạt động M&A sôi động vì chi phí vốn của các doanh nghiệp trong nước tăng cao. Do chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, dòng tiền ra thị trường bị giới hạn, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn, phải vay lãi suất cao. Chi phí vốn đắt nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, từ đó phát sinh nhu cầu liên kết, mua bán, sáp nhập.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hoạt động M&A không chỉ được khối doanh nghiệp tư nhân thực hiện mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất quan tâm. Với số lượng các thương vụ M&A gia tăng mạnh trong thời gian qua chứng tỏ doanh nghiệp xem đây là hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường và là giải pháp tái cơ cấu bộ máy.
Ông Đông cho biết thêm, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A đang từng bước hoàn thiện. Ngoài Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các Nghị định hướng dẫn thi hành, pháp lý về M&A tại Việt Nam còn được ban hành trong Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán và một số luật chuyên ngành khác. Đây là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy M&A.
Tuy có nhiều quan điểm ủng hộ xu hướng M&A, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, Lê Hải Trà lại tỏ ra băn khoăn: “Thực tế thời gian qua có những thương vụ mua bán sáp nhập khá đình đám nhưng hiệu quả như thế nào chưa ai biết được. Tất cả dường như còn quá mới mẻ và phải chờ xem hiệu quả ra sao”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đo lường được hiệu quả của một thương vụ M&A cần ít nhất từ 2 đến 3 năm chuẩn bị lộ trình chuyển đổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp khát vốn, M&A được xem là là kênh huy động vốn hiệu quả, là cơ hội giúp các doanh nghiệp cơ cấu nguồn vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vũ Lê
Theo Vnexpress
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông