Kiến thức Tài chính kế toán Nắm bắt cơ hội khi tái cơ cấu

Nắm bắt cơ hội khi tái cơ cấu

38
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamMặc dù đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song một điều dễ nhận thấy là quá trình này sẽ tác động mạnh tới nhóm các doanh nghiệp ngoài nhà nước khi khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh doanh phần nào sẽ được chuyển tới nhóm này. Đề án tổng thể Tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tới đây đã nêu rõ mục tiêu sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, nhấn mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành đồng bộ, có hệ thống và đồng thời trên 3 lĩnh vực.
Bao gồm thay đổi các điều kiện của môi trường kinh doanh bên ngoài, thay đổi và hoàn thiện hệ thống quản trị, và thay đổi, cơ cấu, sắp xếp lại quản lý nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lực mà các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.

Hỗ trợ nắm bắt cơ hội

Vai trò của khối doanh nghiệp nhà nước không thể được xây dựng dựa trên những ưu tiên, ưu đãi, đặc quyền đặc lợi mà phải được xây dựng trong môi trường kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. 
Vì vậy, đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hướng tới việc thay đổi các điều kiện môi trường kinh doanh bên ngoài theo hướng áp đặt đầy đủ kỷ luật và nguyên tắc thị trường, buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp ngoài nhà nước. 
Do đó, ở góc độ nhất định, theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước đang tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh bình đẳng với khu vực doanh nghiệp nhà nước, như yếu tố vốn, đất đai hay công nghệ… những điểm thường được xem là “bế tắc” của những doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thì khu vực doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức, biểu hiện rõ ràng nhất là số lượng doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh có thời hạn và giải thể được công bố tăng rất cao.
Dù có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh “đường cùng” song một phần là do không tiếp cận được với những nguồn lực kinh doanh như vốn, đất đai… Ngoài yếu tố trở ngại từ môi trường kinh doanh thì những hạn chế trong trình độ quản lý, quy mô tài sản cũng khiến việc tiếp cận nguồn lực đã “khó càng thêm khó”.
Vì vậy, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, vấn đề làm sao là phải nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp này ngay từ bây giờ, để doanh nghiệp có thể có đủ trình độ và năng lực khai thác tối đa quá trình dịch chuyển nguồn lực kinh doanh, hay nói cách khác bản thân các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng phải tái cấu trúc để có thể nắm bắt được cơ hội mới.
Bởi, theo một khảo sát của VCCI, trong nhóm các doanh nghiệp có quy mô lao động từ 50-200 lao động, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm đến trên 80%, điều này có nghĩa là tuyệt đại đa số các doanh nghiệp khu vực này là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Còn các tập đoàn kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa (tỷ lệ cổ phần của nhà nước không quá 50%) chỉ chiếm một phần rất nhỏ. 
Mặc dù quy mô tài sản của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước còn hạn chế hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI nhưng số lượng lao động làm việc trong các doanh nghệp ngoài nhà nước liên tục tăng trong 5 năm qua từ mức 51,7% lên 62,3% trong cùng kỳ, cao hơn hẳn so với mức 26,2% của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Nhà nước sẽ là “bà đỡ” thực thụ

Tuy nhiên, để doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có thể tái cấu trúc thì không hề dễ dàng bởi thực tế, khu vực này mới chỉ có hơn 10 năm phát triển thực sự kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực nên quy mô tài sản cũng như trình độ quản lý còn hạn chế. 
Vì vậy theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, ngoài việc dẫn hướng và khuyến khích đầu tư của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vào ngành, lĩnh vực kinh doanh có năng suất lao động cao thì những biện pháp hỗ trợ, tăng cường năng lực cho khối này, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đặc biệt chú trọng.
Ông Đông lý giải, doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được với nguồn vốn, một trong những điểm bế tắc nhất của khu vực này, xuất phát từ 2 nguyên nhân. Đó là do trình độ hạn chế nên nhiều dự án doanh nghiệp lập ra để xin vay vốn không được phía ngân hàng chấp thuận cho dù dự án có tính khả thi. Trong khi đó, do quy mô tài sản của doanh nghiệp ngoài nhà nước thường rất nhỏ cộng với quy định cho vay khắt khe từ phía ngân hàng như đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên họ cũng không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Vì vậy, vị đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn này về lâu dài cần phải nâng cao năng lực, trình độ của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng trước mắt cần phải tính tới một cơ quan đầu mối, có vai trò “bà đỡ” thực thụ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán vốn trước mắt và xa hơn là nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế. 
“Bộ đang tính tới phương án xây dựng một “đầu mối” gỡ rối cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển rộng hơn nữa mô hình đã áp dụng thành công tại Tp.HCM và Hà Nội. Cơ quan này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án khả thi có thể tiếp cận vốn ngân hàng thông qua phối hợp với những bộ phận tư vấn độc lập từ những bộ, ban, ngành khác để giúp doanh nghiệp có thể hoàn thiện dự án khả thi, đáp ứng được yêu cầu cho vay của ngân hàng thay vì cảnh doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm lập dự án mà bị ngân hàng từ chối cho vay cho dù dự án có khả năng sinh lợi cao”, ông Đông nhấn mạnh.

Theo Vneconomy News

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không